Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hải Dương: Giải "bài toán" nợ quá hạn tăng

31/08/2018 18:08

Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Hải Dương đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Nhưng thời gian gần đây, ở nhiều địa phương, nợ quá hạn (NQH) có xu hướng tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tín dụng.

Cán bộ của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Hà thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của người vay để tránh phát sinh nợ quá hạn

Ôm nợ bỏ đi 

Ông Phạm Văn Hiệu ở xã Gia Hòa (Gia Lộc) vay khoảng 8 triệu đồng tại Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Gia Lộc để xây dựng công trình nước sạch. Đến nay, mặc dù đã đến hạn phải trả nợ gốc và lãi nhưng ông Hiệu đã rời khỏi địa phương và không trả nợ. Phòng giao dịch đang phối hợp với người phụ trách tổ tiết kiệm và vay vốn và xã Gia Hòa tìm ông Hiệu để trả nợ nhưng vẫn chưa được.

Trường hợp chây ỳ, không trả nợ gốc hoặc lãi khi đến kỳ của Ngân hàng CSXH sau đó bỏ trốn khỏi địa phương đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh thời gian gần đây. Tại xã Thái Hòa (Bình Giang) có đôi vợ chồng ly hôn nhưng không trả nợ ngân hàng và đã đi khỏi địa phương. Bà Phạm Thúy Oanh, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bình Giang cho biết: "Người vay không trả nợ, sau đó bỏ đi khỏi địa phương đã gây không ít khó khăn cho chúng tôi. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở các cặp vợ chồng trẻ ly hôn".
Các cán bộ của tổ tiết kiệm và vay vốn phải vất vả truy tìm người vay vốn. Nguyên nhân do hầu hết những người để phát sinh NQH đều có hoàn cảnh khó khăn phải rời khỏi địa phương để làm ăn. Không chỉ nợ Ngân hàng CSXH mà họ còn nợ nhiều nơi khác nên khả năng trả nợ rất thấp. Một số trường hợp khi đi khỏi địa phương không ủy quyền lại cho người thân trả nợ nên rất khó để ngân hàng xử lý NQH. Thậm chí một số trường hợp người thân còn bao che không cho biết nơi ở mới của người vay.

Theo Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh, từ đầu năm đến nay, NQH có xu hướng tăng. Đến nay, đã có 10 trong tổng số 12 đơn vị xuất hiện NQH. NQH phát sinh ở các hộ bị vỡ nợ; sản xuất, kinh doanh thua lỗ, không có khả năng chi trả; vợ chồng ly hôn không phân định rõ trách nhiệm trả nợ... 

Quản lý chặt vốn cho vay

Theo đại diện Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh, mặc dù NQH vẫn trong tầm kiểm soát nhưng kiên quyết sẽ không để phát sinh thêm nhiều trường hợp tương tự. Bởi NQH không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng mà còn ảnh hưởng đến tâm lý cũng như sự công bằng đối với các hộ vay vốn thực hiện trả nợ đúng hạn.

Theo bà Hoàng Thị Bích Huệ, đại diện Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh, việc truy tìm để xử lý NQH sau khi người vay bỏ đi khỏi địa phương chỉ là giải pháp tình thế. Quan trọng là trước khi giải ngân, các phòng giao dịch và các tổ tiết kiệm vay vốn cần rà đi soát lại, đánh giá đúng thực chất khả năng sử dụng vốn và trả nợ của các hộ vay. Phải thường xuyên kiểm tra giám sát, đánh giá, tư vấn, hướng dẫn để các hộ sử dụng vốn hiệu quả, hạn chế phát sinh nợ quá hạn dẫn đến nợ khó đòi. Để quản lý NQH, trước hết phải tăng cường quản lý nguồn vốn cho vay. Trước khi cho vay phải xác định đối tượng vay vốn và cho vay đúng người, đúng mục đích. 

Trong xử lý NQH, trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng là đại diện của Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện cần được nâng cao hơn nữa. Chính quyền các địa phương là những người nắm chắc tình hình của người dân sinh sống trên địa bàn. Khi xuất hiện tình trạng không trả nợ hoặc người vay vốn có dấu hiệu đi khỏi địa phương, tổ tiết kiệm vay vốn cần báo cáo Ban đại diện hội đồng quản trị ở địa phương để phối hợp với các phòng giao dịch kiểm soát, xử lý kịp thời. Các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò ủy thác cho vay vốn cần nâng cao trách nhiệm, nghiệp vụ, thường xuyên phân tích, phân loại NQH để có giải pháp xử lý phù hợp với từng khoản vay. Đối với hộ vay gặp khó khăn, chưa có khả năng trả nợ ngay cần vận động trả dần, không nên tạo áp lực làm cho hộ vay tìm cách trốn nợ.

Theo ông Hoàng Văn Đảo, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Gia Lộc,  đối với những trường hợp ly hôn, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Tòa án Nhân dân huyện với các Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH địa phương. Qua thực hiện các thủ tục ly hôn, Tòa án Nhân dân các địa phương có thể thông báo hoặc yêu cầu công dân thực hiện nghĩa vụ trả nợ ngân hàng.

Trên đây chỉ là những giải pháp tình thế. Thiết nghĩ biện pháp căn cơ là phải nâng cao trách nhiệm quản lý vốn của Ngân hàng CSXH.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hải Dương, đến nay, nợ quá hạn của các địa phương trong tỉnh ở mức hơn 3 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có khoảng 60 trường hợp vay vốn bỏ đi khỏi nơi cư trú với tổng số nợ khoảng hơn 1,5 tỷ đồng, trong đó có 8 trường hợp không có thông tin địa chỉ nơi chuyển đến. 

HẢI MINH

(0) Bình luận
Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hải Dương: Giải "bài toán" nợ quá hạn tăng