Ngăn chặn ngộ độc thực phẩm hàng loạt

06/06/2023 07:19

Những vụ ngộ độc thực phẩm trong thời gian gần đây một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong thời gian vừa qua, liên tiếp nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra ở một số địa phương trên cả nước khiến dư luận lo lắng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cộng đồng. An toàn vệ sinh thực phẩm thực ra không phải là vấn đề mới nhưng vẫn luôn là câu chuyện nhức nhối và diễn biến phức tạp.

Tình trạng ngộ độc thực phẩm và nhiễm độc thực phẩm đang ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng, thậm chí đã có nhiều trường hợp tử vong vì sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn. Mới đây, ngày 25.5, một vụ ngộ độc tập thể đã xảy ra tại một công ty ở Thái Bình sau khi người lao động ăn trưa tại đơn vị khiến cho 46 công nhận bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có 17 trường hợp phải điều trị tại các bệnh viện ở địa phương. Một vụ việc khác xảy ra hôm 9.5 khi gần 300 học sinh thuộc một trường mầm non ở Đô Lương (Nghệ An) ăn bữa trưa tại trường. Đến tối cùng ngày, 76 cháu xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn mửa, trong đó 55 cháu đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Nghiêm trọng hơn cả là một loạt các ca ngộ độc Botulinum trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được cho là do ăn chả lụa bán dạo và mắm ủ lâu ngày, trong đó đã có 1 trường hợp tử vong, 2 nạn nhân đang trong tình trạng nặng, liệt hoàn toàn và phải thở máy.

Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xảy ra 25 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng cộng 344 người bị ngộ độc, trong đó có 8 trường hợp tử vong.


Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhi đồng 2 thăm khám cho bệnh nhi ngộ độc Botulinum. Ảnh: TTXVN

Một loạt các nguyên nhân đã được giới chuyên gia y tế chỉ ra khi đề cập đến thực trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Một trong những nguyên nhân chính là do quá trình sản xuất, chế biến và bảo quản thực phẩm không bảo đảm. Nhiều nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh thực phẩm không tuân thủ đúng qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm, không giữ được sự trong sạch và an toàn trong quá trình sản xuất và bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như việc sử dụng thuốc trừ sâu không đúng cách, chất bảo quản cấm, nguồn nước không bảo đảm vệ sinh…

Đáng lo ngại hơn cả là việc một số cơ sở sản xuất, kinh doanh dù biết rõ sản phẩm không bảo đảm về chất lượng nhưng vì lợi nhuận đã bất chấp tất cả để tìm cách đưa đến tay người tiêu dùng “thực phẩm bẩn”. Tất cả những yếu tố trên đều góp phần vào việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ra các vụ ngộ độc, làm nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng.

Thực tế, cơ quan chức năng đã phát hiện ra rất nhiều vụ việc liên quan tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đã xử phạt rất nặng theo qui định của pháp luật, thậm chí là truy tố hình sự một số trường hợp để lại hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, vấn nạn này chưa bao giờ được xử lý triệt để, dứt điểm.

Trong bối cảnh đó, tăng cường các giải pháp mang tính đồng bộ, toàn diện và quyết liệt là hết sức cần thiết, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về an toàn vệ sinh thực phẩm; sự phối hợp giữa các cơ quan liên ngành trong hoạt động quản lý, chỉ đạo về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các địa phương. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đóng vai trò then chốt.

Mặt khác, cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm mang tính khả thi, hiệu quả cao trong phòng ngừa và xử lý khắc phục những vi phạm an toàn thực phẩm sao cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Tuy nhiên, trong công tác xây dựng tiêu chuẩn vẫn cần lấy chuẩn quốc tế làm cơ sở để từng bước điều chỉnh quy định trong nước, nhất là các quy định liên quan đến thực phẩm xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu.

Mặc dù vậy, có lẽ yếu tố thực sự mang tính quyết định để hạn chế tối đa các vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm dẫn tới ngộ độc thực phẩm chính là ý thức của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần nâng cao đạo đức kinh doanh, thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong kinh doanh, chế biến thực phẩm; thực hiện đăng ký đầy đủ giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Người tiêu dùng cần phải có ý thức cao và tự trang bị những kiến thức về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó chủ động lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm vệ sinh an toàn.

Trên thực tế, vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ là vấn nạn của Việt Nam mà bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng phải đối phó với thực trạng này song rõ ràng mỗi nơi sẽ có những cách tiếp cận khác nhau. Tại Mỹ, một trong những ưu tiên hàng đầu để xử lý vấn đề này là minh bạch nguồn gốc thực phẩm, được thể hiện rõ ở các qui định chặt chẽ về ghi nhãn thực phẩm. Thiết lập cơ sở dữ liệu để có thể truy nhanh nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm, nguyên liệu làm ra thực phẩm và nhận diện khâu nào trong chuỗi cung ứng thực phẩm có vấn đề, kịp thời thu hồi sản phẩm lỗi ra khỏi các kênh phân phối trên thị trường.

Một điểm khác biệt nữa là công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn vệ sinh thực phẩm rất được chú trọng. Theo qui định pháp luật về an toàn thực phẩm của Mỹ, khi một người muốn mở quán ăn hay kinh doanh xe bán thực phẩm lưu động thì bắt buộc phải học qua lớp tìm hiểu các quy định về an toàn thực phẩm hay như việc người bị thiệt hại do thực phẩm không an toàn có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng có hệ thống tiêu chuẩn và qui định về an toàn thực phẩm hết sức nghiêm ngặt và hoàn chỉnh do nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm sạch và an toàn rất cao. Đặc biệt, khu vực này rất chú ý tới việc xác định và kiểm soát mối nguy trong chế tạo, gia công, sản xuất, chuẩn bị và sử dụng thực phẩm, thiết lập nguyên tắc bảo đảm môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ.

Có thể khẳng định, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược bảo vệ sức khỏe con người, vừa cấp bách, vừa mang tính lâu dài, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Chỉ khi mỗi người dân, nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều có ý thức cao về vấn đề này và đóng góp hết mình trong công tác giải quyết, chúng ta mới có thể bảo đảm sức khỏe cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thể hiện nếp sống văn minh của một đất nước.

Theo báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn ngộ độc thực phẩm hàng loạt