Sau thời gian dài chờ đợi, cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã diễn ra tại Vladivostok (Nga).
Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều lần đầu tiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã trao cho nhau cái bắt tay lịch sử
Cuộc hội đàm kín đã kéo dài gấp đôi thời gian so với dự kiến và cuộc hội đàm mở rộng cùng những tuyên bố của hai bên cho thấy cuộc gặp đầu tiên này đã đạt mục tiêu của hai bên đề ra.
Thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Triều
Cuộc gặp lịch sử đầu tiên giữa Tổng thống Nga Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra ngày 25.4 vừa qua tại Đại học liên bang viễn Đông trên đảo Rusky thuộc TP Vladivostok, viễn Đông Nga. Cuộc hội đàm diễn ra theo hai thể thức: Hội đàm kín giữa hai nhà lãnh đạo và hội đàm mở rộng có sự tham gia của lãnh đạo chính phủ trong thành phần đoàn đại biểu.
Với thời gian 3 giờ (cả hai cuộc hội đàm) cả Nga và Triều Tiên đã bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, tình hình an ninh khu vực Đông Bắc Á và vấn đề kinh tế của Triều Tiên.
Phía Nga đã kêu gọi hợp tác kinh tế 3 bên giữa Nga với Hàn Quốc và Triều Tiên, tập trung vào các vấn đề lớn có nhiều tiềm năng như: hệ thống đường sắt, đường ống dẫn khí và mạng lưới điện. Thông qua lời kêu gọi hợp tác kinh tế 3 bên, phía Nga dường như muốn hối thú Hàn Quốc tích cực hơn trong vấn đề giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt phía Nga cho rằng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bằng các thỏa thuận song phương để bảo đảm an ninh là chưa đủ mà cần một cơ chế đa phương, trong đó đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triêu Tiên với sự tham gia của Triều Tiên, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản.
Sau hội đàm, Tổng thống Nga Putin nói: “Nước Nga tin rằng hàng loạt vấn đề, trong đó có vấn đề hạt nhân khu vực cần được giải quyết thông qua đối thoại và hòa bình và đây là biện pháp hiệu quả duy nhất, Nga sẽ tiếp tục nỗ lực để giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên”. Về phần mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói: “Tôi đã có cuộc đàm phán hữu ích và thẳng thắn với Tổng thống Putin về các vấn đề phát triển quan hệ hữu nghị giữa Triều Tiên và Nga. Quan điểm kiên định và đường lối chính sách chiến lược của tôi là không ngừng tăng cường và phát triển quan hệ chiến lược, truyền thống, hữu nghị phù hợp với các yêu cầu của thế kỷ mới".
Tại sao cuộc gặp Nga – Triều lại diễn ra vào thời điểm này?
Sau cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Triều Tiên, hàng loạt câu hỏi được giới phân tích trên thế giới đặt ra là tại sao cuộc gặp diễn ra tại thời điểm này?
Thứ nhất, Nga (Liên Xô trước đây) có nhiều hỗ trợ cho Triều Tiên, đặc biệt là thời kỳ ông Kim Nhật Thành, ông nội nhà lãnh đạo Kim Jong-un giúp Triều Tiên tái thiết đất nước những năm 1950-1953. Tổng thống Putin không ủng hộ việc Mỹ sử dụng trừng phạt như một công cụ chính trị. Ông Putin đã đến Bình Nhưỡng vào năm 2000 gặp ông Kim Jong-il năm 2001. Sau đó, ông Kim Jong-il cũng đã tới Moscow gặp Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev. Sự ủng hộ của Nga đã thôi thúc ông Kim Jong-un gặp Tổng thống Putin để thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc hơn.
Thứ hai, đã gần một năm rưỡi kể từ khi ông Kim Jong-un tuyên bố kế hoạch trỗi dậy khỏi sự cô lập của quốc tế, mở rộng quan hệ với Trung Quốc, Hàn Quốc và để ngỏ khả năng đàm phán với Mỹ, ông Kim Jong-un đã có 4 hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 3 hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc và 2 hội nghị thượng đỉnh với Mỹ. Những hội nghị thượng đỉnh nêu trên đã đưa ông Kim Jong-un thành nhân tố quan trọng trên trường quốc tế nhưng như thế là chưa đủ cho chương trình trỗi dậy của Triều Tiên nếu thiếu vắng nước Nga.
Mong muốn của Nga và Triều Tiên
Với Triều Tiên, ngoài vấn đề hạt nhân, ông Kim Jong-un cùng ban lãnh đạo Triều Tiên đang đặt vấn đề phát triển kinh tế lên hàng đầu. Lâu nay, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên và Bình Nhưỡng nhận ra rằng chỉ một Trung Quốc là chưa đủ.
Chính vì vậy, Triều Tiên đã hối thúc Hàn Quốc tham gia các dự án liên Triều để xây dựng lại hệ thống đường sắt và cải thiện cơ sở hạ tầng đang xuống cấp. Triều Tiên cũng xác định Nga là một đối tác cực kỳ quan trọng.
Theo giới phân tích Hàn Quốc, mối lo của Triều Tiên hiện nay là hơn 10.000 lao động Triều Tiên đang làm việc tại Nga sẽ phải về nước vào cuối năm nay do nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp quốc có hiệu lực. Trong khi đó, Triều Tiên muốn đưa 50.000 lao động sang Nga làm việc. Đây thực sự là vấn đề khó của Triều Tiên.
Mối quan tâm lớn nữa của Triều Tiên là muốn thúc đẩy thương mại với Nga tăng gấp 10 lần hiện nay, lên mức 1 tỷ USD vào năm 2020. Do thời tiết khắc nghiệt, hạn hán kéo dài, lương thực là mối quan tâm lớn của Triều Tiên. Vì vậy Nga tuyên bố sẽ viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên không chỉ lương thực mà nhiều hàng hóa khác.
Mong muốn lớn nhất của Nga là bán đảo Triều Tiên thực sự được phi hạt nhân hóa và Nga là một trong các bên tham gia tích cực vào việc này. Dư luận thế giới cho rằng, Nga đã có kinh nghiệm phi hạt nhân hóa từ những năm 1990.
Nói về vấn đề này, ông Andrey Kortunov thuộc Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga cho rằng: “Cuộc gặp thượng đỉnh lần này được coi là cơ hội để ông Putin đặt một chân vào tiến trình tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề Triều Tiên. Từ đó khẳng định rằng Nga không phải là một quan sát viên mà còn là một nhân tố tích cực trong ván bài Triều Tiên đồng thời giữ vững vị thế trên vũ đài quốc tế”.
Một vấn đề rất quan trọng đối với Nga đó là nếu vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thành công, Nga sẽ tiến hành xây dựng đường ống dẫn khí thiên nhiên kể cả khí hóa lỏng (LNG) qua Triều Tiên tới Hàn Quốc (Hàn Quốc là nước nhập khẩu LNG lớn thứ 2 thế giới) xuất phát từ cảng Vladivostok sau đó sang Nhật Bản. Thỏa thuận này được thảo luận từ năm 2011 nhưng chưa thể thực hiện vì các lệnh trừng phạt.
Như vậy, sau 8 năm chờ đợi từ phía Nga và cũng ngần ấy thời gian đắn đo từ phía Triều Tiên, đặc biệt trong bối cảnh cả Nga và Triều Tiên đang chịu những sức ép từ Mỹ, “cái bắt tay” giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Triều Tiên có thể hiểu như một thông điệp rằng hai nước có thể đứng cùng nhau để đối phó với những áp lực từ bên ngoài và sẵn sàng cùng nhau thực hiện các hợp tác kinh tế vì lợi ích chung của hai nước.
HẢI HÀ