Sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu do hiện tượng nóng lên toàn cầu không chỉ giải phóng khí mêtan và tàn phá cơ sở hạ tầng ở Bắc Cực, mà còn có thể khiến các loại virus và vi khuẩn cổ đại trỗi dậy.
Korchunov nói: “Nguy cơ khiến các loại virus và vi khuẩn cổ đại hồi sinh là rất lớn. Với lý do này, Nga đã khởi xướng một dự án an toàn sinh học trong Hội đồng Bắc Cực,” ông nói và lưu ý rằng tổ chức này sẽ có nhiệm vụ tìm ra toàn bộ phạm vi “rủi ro và nguy hiểm” liên quan đến “sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu khả năng lây nhiễm dịch bệnh trong tương lai”.
Ông Korchunov không phải là người đầu tiên cảnh báo về mối đe dọa này của biến đổi khí hậu. Đầu năm nay, nhà khoa học Nga Sergei Davydov cũng cảnh báo rằng lớp băng vĩnh cửu tan chảy có thể khiến các thành phần thuộc hệ sinh thái cổ đại, trong đó có cả virus nguy hiểm “sống lại”. Davydov cho biết phần lớn lãnh thổ của Nga là lớp băng vĩnh cửu không tan trong hàng triệu năm và các loại virus cổ đại, một số loại có thể cực kỳ nguy hiểm, có thể vẫn tồn tại bên trong đó.
Trong những năm gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thẳng thắn hơn rất nhiều về vấn đề biến đổi khí hậu. Ông đã nhiều lần cảnh báo về những nguy cơ của tình trạng nóng lên toàn cầu đối với hệ sinh thái và môi trường của đất nước, bao gồm cả việc lớp băng vĩnh cửu tan chảy.
Phát biểu tại Câu lạc bộ Thảo luận Valdai năm 2020, ông Putin lưu ý rằng 65% lãnh thổ của đất nước được tạo thành từ lớp băng vĩnh cửu. Do đó, ông cho rằng bất kỳ sự thay đổi sinh thái nào cũng sẽ gây ra những hậu quả to lớn đối với cơ sở hạ tầng của Nga và có thể gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của đất nước.
“Điều này có thể ảnh hưởng đến hệ thống đường ống, các khu dân cư được hình thành trên nền lớp băng vĩnh cửu. Nếu 25% lớp bề mặt của băng vĩnh cửu, khoảng 3-4 mét, tan chảy vào năm 2100, chúng ta sẽ cảm nhận được hiệu ứng rất mạnh”.
Theo Báo Tin tức