Chuyên gia cho rằng ông Trump có cơ hội phá vỡ hiện trạng và thu hút Nga chấm dứt xung đột với Ukraine bằng cách đưa vấn đề Bắc Cực vào bàn đàm phán.
Một chuyên gia Mỹ nhận định, việc đề xuất dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tuyến đường biển phía Bắc của Nga (NSR) và mời các hãng vận tải phương Tây tham gia phát triển dự án ở Bắc Cực có thể là "chìa khóa" để Tổng thống đắc cử Donald Trump thành công trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Trong bài viết đăng trên tạp chí Responsible Statecraft, Giáo sư Lyle J. Goldstein thuộc Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc (CMSI) thuộc Trường chiến tranh Hải quân Mỹ, cho rằng cam kết của Tổng thống đắc cử Trump trong chiến dịch tranh cử về việc nhanh chóng chấm dứt chiến sự giữa Moskva và Kiev đang trở nên “ngày càng khó đạt được”.
Ông Goldstein viết, trong bối cảnh quân đội Nga tiếp tục “tiến triển chậm nhưng ổn định”, Tổng thống Vladimir Putin có thể quyết định “theo đuổi một chiến thắng quân sự toàn diện hơn và bác bỏ bất kỳ đề xuất hòa bình nào từ phương Tây trong tương lai gần”.
“Rất khó để tưởng tượng rằng việc gửi thêm vũ khí cho Ukraine hay áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Nga có thể mang lại hòa bình”, ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, giáo sư này cho rằng ông Trump vẫn còn cơ hội phá vỡ hiện trạng và thu hút Nga chấm dứt chiến tranh bằng cách đưa vấn đề Bắc Cực, nơi các cường quốc thế giới đang cạnh tranh ảnh hưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, vào bàn đàm phán.
Giáo sư Goldstein khẳng định, vấn đề Bắc Cực “được đảm bảo sẽ thu hút sự chú ý của Putin” bởi Moskva rất quan tâm đến hiệu quả hoạt động của Tuyến đường biển phía Bắc.
Tuyến đường này kéo dài từ biển Barents gần biên giới Nga với Na Uy đến eo biển Bering giữa Chukotka và Alaska (Mỹ), được coi là chìa khóa để khai thác tiềm năng phát triển của các vùng nội địa rộng lớn, giàu tài nguyên của Nga, đặc biệt là khu vực Siberia.
Để khiến Nga nhượng bộ, Mỹ cần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các dự án liên quan đến NSR, đồng thời tạo điều kiện để các hãng vận tải lớn của châu Âu như Hapag Lloyd và Maersk sử dụng tuyến đường này.
Washington và Brussels cũng có thể "làm ngọt thêm đề xuất" bằng cách khuyến khích và thậm chí đưa ra các ưu đãi cho đầu tư phương Tây dọc theo NSR, ông Goldstein đề xuất.
“Bằng cách kết hợp các đề xuất hòa bình với một lợi ích đủ hấp dẫn để thu hút Tổng thống Putin, các cuộc đàm phán có sự tham gia của yếu tố Bắc Cực có thể nhận được sự ủng hộ từ ông Trump và đạt được thành công”, ông khẳng định.
Trước đó, ngày 22/12, Tổng thống đắc cử Trump cho biết ông muốn giải quyết xung đột Ukraine thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp với Tổng thống Putin. “Chúng ta phải chấm dứt cuộc chiến đó”, ông nhấn mạnh.
Trong buổi họp báo cuối năm vào tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, ông “sẵn sàng nói chuyện với ông Trump bất cứ lúc nào” và sẽ gặp ông nếu phía Mỹ có mong muốn.
Tại sự kiện này, ông Putin cũng tái khẳng định rằng Moskva sẵn sàng đàm phán với Kiev mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, ngoại trừ những thỏa thuận đã được đạt được tại Istanbul vào năm 2022.
Các thỏa thuận này bao gồm việc Ukraine duy trì tình trạng trung lập, không liên minh, và hạn chế triển khai vũ khí nước ngoài. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng phải tính đến tình hình thực tế hiện nay trên chiến trường.