Bộ Công thương dự báo trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất sớm được khôi phục trở lại, xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt khoảng 313 tỷ USD.
Xuất khẩu hàng dệt may 8 tháng đầu năm 2021 đạt 21,2 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa
Về cán cân thương mại, Bộ Công thương cho rằng nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý III, xuất khẩu sẽ được đẩy mạnh. Tuy nhiên, theo chu kỳ, nhập khẩu quý IV thường tăng cao, do đó dự kiến năm 2021 có thể nhập siêu khoảng 2 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Theo Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 8.2021 ước tính đạt 53,7 tỷ USD, giảm 5,8% so với tháng trước.
Tuy nhiên, nhờ tốc độ tăng trưởng cao trong những tháng trước đó nên tính chung 8 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính vẫn đạt ở mức cao, đạt 428,81 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước.
Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8.2021 giảm 6% so với tháng trước, ước tính đạt 26,2 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của cả 3 nhóm hàng chính (công nghiệp chế biến, nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm nhiên liệu khoáng sản) đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Gạo là mặt hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất trong nhóm hàng nông sản khi giảm tới 14,8% về lượng và giảm 6,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do dịch COVID-19 đang ảnh hưởng lớn đến việc thu hoạch và lưu thông lúa gạo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Với nhóm công nghiệp chế biến, đối với các nhóm hàng chủ lực, trong khi kim ngạch xuất khẩu điện thoại; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, sắt thép các loại tăng cao thì ngược lại, nhiều mặt hàng có kim ngạch sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt và may mặc, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép các loại... Mặc dù giảm trong tháng 8 nhưng tính chung trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng chính của nhóm này đều tăng.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vẫn đang tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước, ước tính đạt 212,55 tỷ USD. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Việt Nam có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, gồm điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 35,7 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 31,3 tỷ USD, tăng 12,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 23 tỷ USD, tăng 49,9%; hàng dệt may đạt 21,2 tỷ USD, tăng 9,7%; giày dép đạt 12,6 tỷ USD, tăng 16,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,4 tỷ USD, tăng 41,9%.
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8.2021 ước tính đạt 27,5 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 216,26 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 8 ước tính nhập siêu 1,3 tỷ USD. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 3,71 tỷ USD trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,69 tỷ USD.
Phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh
Đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, động lực tăng trưởng của cả nước. Nhiều nhà máy đóng vai trò là mắt xích của chuỗi cung ứng nên khi bị gián đoạn tại một địa phương đã tác động dây chuyền, gây khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng, phải trì hoãn, hủy đơn hàng, có nguy cơ bị mất thị trường, thay đổi chuỗi cung ứng.
“Nhu cầu hàng hóa của thế giới đang trong xu hướng phục hồi trở lại. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tăng trưởng sản xuất và xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19”, Thứ trưởng nhận định.
Cụ thể, hiện nay, mặc dù việc tiêm phòng vaccine COVID-19 đã có những tín hiệu tích cực trên thế giới nhưng dịch bệnh vẫn nghiêm trọng tại các nước châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia, Thái Lan… Trong nước, dịch bệnh lây lan nhanh tại các tỉnh trọng điểm xuất khẩu của cả nước như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu, nhất là khi thời điểm hiện tại đang giai đoạn rất quan trọng để chuẩn bị các đơn hàng cuối năm.
Nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất lớn đang hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động đã ảnh hưởng rất lớn trong việc hoàn thành các đơn hàng đã ký kết. Các doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện phải bảo đảm phòng chống dịch với những yêu cầu nghiêm ngặt như "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, hai điểm đến"…
Không những vậy, việc lao động về quê tránh dịch cũng dẫn đến nguy cơ thiếu lao động sản xuất sau khi dịch được kiểm soát, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực cần có tay nghề như cơ khí, điện tử… Quá trình thông quan xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản thời gian gần đây gặp khá nhiều bất lợi khi Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Tuy nhiên, Bộ Công thương cho rằng cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện dần trong thời gian tới. Đồng thời, cơ quan này cũng dự báo xuất khẩu cả năm 2021 sẽ tăng 10,7% so với tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của năm 2020, ước đạt khoảng 313 tỷ USD.
Những điểm sáng có thể kể đến trong bức tranh xuất khẩu 4 tháng cuối năm như: các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam, tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi.
Đồng thời, theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm dần vào cuối năm trong khi xuất khẩu tăng trong những tháng cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao phục vụ cho mùa tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, đồ gỗ, hàng dệt may, da giày và thủy sản… Vì vậy, cán cân thương mại sẽ cân bằng lại thay vì con số nhập siêu lên đến 3,71 tỷ USD như thời điểm hiện nay.
Về giải pháp, Bộ Công thương cho biết cơ quan này tiếp tục tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực. Hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Đồng thời, tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược; làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tập trung vào những hàng hóa, nông sản đang vào mùa vụ.
Theo VGP