2021 là năm tỉnh có nhiều đổi mới trong xúc tiến thương mại, góp phần quảng bá, kết nối tiêu thụ hàng nông sản của Hải Dương đến các quốc gia trên thế giới.
Lãnh đạo các Bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Hải Dương cùng đại diện sàn thương mại điện tử, đơn vị sản xuất, thu mua vải nhấn nút khởi động chương trình đưa vải thiều và nông sản Hải Dương lên sàn thương mại điện tử
Đổi mới
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên việc xuất khẩu nhiều loại nông sản của Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước bối cảnh khó khăn chung, Sở Công thương xác định phải đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho vải thiều và hàng nông sản của tỉnh bằng nhiều giải pháp.
Sở đã kết nối giao thương và hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp đến khảo sát, tìm kiếm thị trường. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19, Sở Công thương đã tham mưu cho tỉnh xây dựng phương án, kịch bản hợp lý để vừa sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản trong điều kiện an toàn chống dịch.
Theo ông Nguyễn Lương Ngọc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), điểm nổi bật của chương trình xúc tiến thương mại năm nay là ngoài thị trường truyền thống, sở đã phối hợp các đơn vị đưa vải thiều và nhiều nông sản khác của tỉnh vào chuỗi các siêu thị lớn trong cả nước. Đây cũng là năm đầu tiên Hải Dương đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử. Khi xu hướng mua sắm online ngày càng trở nên phổ biến, việc đưa sản phẩm của tỉnh lên sàn thương mại điện tử đã góp phần phát triển thị trường, mở rộng kênh tuyên truyền, quảng bá. Thông qua đó, nông sản của Hải Dương sẽ có thêm cơ hội tiến xa tới nhiều phân khúc thị trường trong nước và quốc tế", ông Ngọc nói.
Ngày 15.5 vừa qua, Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) phối hợp Sở Công thương và UBND huyện Thanh Hà chính thức đưa quả vải lên sàn thương mại điện tử "Voso.vn". Để tạo điều kiện cho khách hàng mua vải qua sàn này, Viettel Post Hải Dương đã xây dựng kế hoạch trình tổng công ty phê duyệt nhiều ưu đãi cho khách hàng. Cụ thể với trọng lượng 20 kg, cước vận chuyển quả vải đến khách hàng trên toàn quốc chỉ 22.000 đồng.
Ông Trần Văn Phú, Phó Giám đốc Thương mại điện tử Viettel Post Hải Dương chia sẻ, đơn vị đã tổ chức hướng dẫn các đơn vị, HTX đăng sản phẩm, tạo gian hàng và triển khai các bước để bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Viettel Post cam kết chuyển vải thiều đến tay người dùng nhanh nhất, tối đa là 2 ngày trong phạm vi toàn quốc. Việc đưa vải thiều và hàng nông sản lên sàn thương mại điện tử góp phần nâng cao năng lực của các hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần cụ thể hóa mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh.
Hiện nay, Hải Dương đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp được đưa lên các sàn thương mại điện tử như trứng gà Cẩm Đông (Cẩm Giàng), gà đồi Chí Linh, ổi Thanh Hà, cải bắp Gia Lộc, vải thiều Thanh Hà... Vừa qua, đại diện các sàn thương mại điện tử sendo.vn, voso.vn, postmart.vn, lazada.vn đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 4 đơn vị sản xuất, thu mua vải và nông sản của Hải Dương để tiếp tục đưa các sản phẩm này của tỉnh lên sàn thương mại điện tử trong thời gian tới.
Vải thiều Thanh Hà đã chính thức được đưa lên các sàn thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc hàng hóa
Kết nối năm châu
Những năm qua, Hải Dương đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, qua đó tăng năng suất, chất lượng và sản lượng. Nhiều nông sản của tỉnh được tiêu thụ tốt tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Nông sản của tỉnh đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Thuỵ Điển, Australia, Singapore, Canada, Hàn Quốc...
Hiện nay, vải thiều và một số loại nông sản của tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, tổng sản lượng cây ăn quả của tỉnh ước đạt 260.000 tấn, trong đó có khoảng 55.000 tấn vải thiều, 65.000 tấn ổi, 15.000 tấn na, còn lại là các loại cây ăn quả khác.
Sáng 18.5 vừa qua, UBND tỉnh đã phối hợp các Bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương. Đây là sự kiện mang tầm quốc tế đầu tiên được Hải Dương tổ chức. Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất, thu mua, phân phối nông sản trong nước và 12 quốc gia khác nhau đã theo dõi, kết nối giao thương. Thông qua đó góp phần đẩy mạnh liên kết, hợp tác và mở rộng thị trường. Sau khi hội nghị kết thúc, thông qua các phiên giao thương trực tuyến, đã có hơn 30 doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, thực phẩm xuất khẩu trong nước kết nối với gần 20 doanh nghiệp nước ngoài. Thời gian tới, các sản phẩm của Hải Dương sẽ có có thêm nhiều cơ hội để xuất khẩu sang các thị trường mới.
Theo đánh giá của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), sự kiện xúc tiến thương mại tại Hải Dương vừa qua đặc biệt quan trọng. Lần đầu tiên có sự tham gia của nhiều Tham tán Việt Nam tại nước ngoài xắn tay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là sự kiện xúc tiến thương mại có số lượng doanh nghiệp, nhà nhập khẩu, đối tác nước ngoài tham dự nhiều nhất. Hoạt động xúc tiến thương mại tại Hải Dương đã chuyển từ lượng sang chất, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến thương mại, giúp tiêu thụ nông sản thuận lợi.
LAN NGUYỄN