Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tỉnh vừa được thành lập sẽ tạo luồng gió mới trong công tác đấu tranh với tệ tham nhũng, tiêu cực, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân.
Chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
Năm 2008, UBND tỉnh quyết định thành lập Ban Chỉ đạo PCTN tỉnh. Đến năm 2013, Ban Chỉ đạo này được chuyển về trở thành một nhiệm vụ của Ban Nội chính Tỉnh ủy. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả về lĩnh vực này, ngày 15.6.2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) với 15 thành viên, gồm 1 Trưởng ban, 5 Phó Trưởng ban và 9 ủy viên.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh họp phiên thứ nhất
Tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo vào ngày 7.7, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định việc thành lập Ban Chỉ đạo có mục tiêu cao nhất là phòng ngừa, lấy phòng ngừa để chống, trọng tâm là phòng chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương.
Ban Chỉ đạo có các nhiệm vụ chính là tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng, ban hành nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa, tổ chức, đôn đốc, điều hoà phối hợp, kiểm tra, giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, tiêu cực ở địa phương. Chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh uỷ thông qua hoạt động theo phạm vi trách nhiệm được giao làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục sai phạm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan.
Ban Chỉ đạo cũng chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong PCTN, tiêu cực theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là vụ án tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Ngoài ra, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh uỷ và cấp uỷ viên, đảng viên có thẩm quyền trong xử lý khiếu nại, tố cáo về tham nhũng, tiêu cực và xử lý thông tin về vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực do các cá nhân, tổ chức phát hiện, cung cấp, kiến nghị...
Kỳ vọng
Ngay khi Ban Chỉ đạo được thành lập, sự kiện này nhận được sự quan tâm, kỳ vọng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Điều mà mọi người quan tâm nhất là Ban Chỉ đạo cần hoạt động thật sự hiệu lực, hiệu quả để từng bước hạn chế hành vi tham nhũng, tiêu cực mà nhiều năm nay gây bức xức trong nhân dân.
Theo ông Phạm Đình Bẩy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nam Sách, cán bộ, hội viên cựu chiến binh và người dân của địa phương hy vọng, tin tưởng vào hoạt động của Ban Chỉ đạo. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả, Ban Chỉ đạo cũng như các thành viên cần nghiên cứu, quán triệt kỹ cách thức, kinh nghiệm thực hiện của Ban Chỉ đạo Trung ương trong công tác này để áp dụng vào tỉnh. Công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh, tạo sức lan tỏa, đồng thuận trong nhân dân về vai trò, vị trí, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo với công tác PCTN, tiêu cực. "Ban Chỉ đạo của tỉnh cần có người "đốt lò" để tránh hoạt động cầm chừng, thiếu hiệu quả hoặc mang tính hình thức", Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nam Sách nêu quan điểm.
Thời gian qua, hoạt động quản lý ở nhiều lĩnh vực tài chính, tài nguyên, khoáng sản, bất động sản, đấu giá, đầu tư công, y tế... xuất hiện không ít biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà cho nhân dân. Đây là những lĩnh vực người dân mong rằng Ban Chỉ đạo sớm vào cuộc chấn chỉnh, xử lý để từng bước mang lại niềm tin cho nhân dân.
Nhiều đảng viên, quần chúng cũng mong muốn thời gian tới, Ban Chỉ đạo sẽ huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác PCTN, tiêu cực. Ông Hoàng Văn Ngẫu (80 tuổi, 58 năm tuổi đảng), ở khu dân cư số 1, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) chia sẻ: "Khi phát hiện vụ việc tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo cũng như các cấp, ngành liên quan cần xử lý khách quan, công tâm, "không có vùng cấm", đúng người, đúng tội và thông báo rộng rãi đến quần chúng nhân dân".
Ngoài ra, nhiều người kỳ vọng Ban Chỉ đạo sẽ tạo ra cơ chế hiệu quả để các cấp, ngành, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên cần không ngừng trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có giải pháp PCTN, tiêu cực ngay chính trong cơ quan, đơn vị, mỗi cá nhân. Trong thực thi công vụ, cán bộ, đảng viên cần kịp thời giải quyết ý kiến, kiến nghị chính đáng của người dân để phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
DANH TRUNG