Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, cứ vào dịp cuối năm, nhiều gia đình thường đi tảo mộ để tưởng nhớ những người đã khuất.
Những ngày cuối năm, nhiều gia đình đi tảo mộ để rước những người đã khuất, ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu
Con cháu sửa sang lại phần mộ của người thân quá cố trong gia đình, nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên. Trong những ngày này, nghĩa trang ở nhiều nơi trở nên nhộn nhịp hơn ngày thường.
Ngay từ sáng ngày 29 Tết, bà Nguyễn Thị Đót ở thôn Tân Lập, xã Thượng Đạt (TP Hải Dương) và người thân đã có mặt ở nghĩa trang để dọn dẹp phần mộ của người thân. Bà chia sẻ: "Hằng năm, vào ngày này tôi đều ra nghĩa trang thắp hương xin phép thổ thần, thổ địa cho người thân của mình được về ăn Tết cùng gia đình. Tôi cũng tranh thủ lau dọn ngôi mộ, nhổ cỏ, quét dọn để ngôi mộ thêm sạch sẽ". Những ngôi mộ vô chủ, không có người thăm viếng cũng được bà cắm một nén nhang, đốt nắm vàng mã để người nằm dưới đỡ tủi.
Cũng đã thành thông lệ, ngày cuối năm nào ông Nguyễn Năng Hanh ở thôn Vạn Tải, xã Hồng Phong (Nam Sách) cũng dẫn theo cháu nhỏ ra nghĩa trang để thắp hương, đón rước ông bà tổ tiên về nhà ăn Tết với con cháu. Ông cho biết: "Khi con cháu trong nhà về đông đủ, tôi thường dẫn các cháu đi tảo mộ. Đây vừa là cách giúp con cháu nhận diện phần mộ của gia đình, vừa giúp các cháu nhớ đến ông bà, tổ tiên". Sau khi làm lễ rước ông bà tổ tiên về nhà, vào các ngày mùng 1 đến mùng 3, gia đình ông Hanh thường làm mâm cơm chu đáo đặt lên bàn thờ cúng gia tiên với tấm lòng thành kính mong ông bà tổ tiên phù hộ cho gia đình.
Tảo mộ cuối năm hay còn gọi là Lễ Chạp (vì thường được tổ chức vào tháng Chạp hằng năm), trước khi các gia đình sửa soạn mâm cơm Tất niên. Bằng cả tấm lòng thành kính, mỗi gia đình sẽ đón rước ông bà tổ tiên về sum họp, ăn Tết cùng con cháu. Người Việt thường tin rằng "trần sao âm vậy" nên khi năm mới đến, mọi thứ phải được sửa sang cho mới mẻ, kể cả nơi an nghỉ của ông bà, người thân.
TRẦN HIỀN