Từ ngày 1.6, Văn phòng đăng ký (VPĐK) đất đai tỉnh Hải Dương trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Trung bình mỗi ngày Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP Hải Dương tiếp nhận và giải quyết khoảng 200 hồ sơ, thủ tục hành chính về đất đai dẫn đến tình trạng quá tải
Việc thành lập VPĐK đất đai tỉnh sẽ góp phần khắc phục các hạn chế trước đây, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.
Mô hình hai cấp có nhiều hạn chế
Trước đây, hệ thống VPĐK quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh hoạt động theo mô hình hai cấp. Trong đó VPĐK quyền sử dụng đất cấp tỉnh (Văn phòng cấp tỉnh) trực thuộc Sở TNMT, 12 VPĐK quyền sử dụng đất cấp huyện (Văn phòng cấp huyện) trực thuộc Phòng TNMT các huyện, thị xã, thành phố. VPĐK quyền sử dụng đất hai cấp trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là cơ quan thiết lập, quản lý hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai để Nhà nước nắm chắc, quản chặt đất đai.
Tuy nhiên, mô hình hoạt động hai cấp phát sinh nhiều khó khăn, bất cập. Qua tìm hiểu thực tế của phóng viên cho thấy, Văn phòng cấp huyện có khối lượng công việc lớn, trong khi nhân sự ít. Người lao động ở Văn phòng cấp huyện thường xuyên phải phối hợp thực hiện nhiệm vụ khác như giải quyết đơn thư, khiếu nại vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Vì vậy, công việc tại đây thường xuyên trong tình trạng quá tải.
VPĐK quyền sử dụng đất TP Hải Dương có 39 lao động. Hằng ngày, đơn vị bố trí 5 người làm việc tại bộ phận "một cửa". Trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận và giải quyết khoảng 200 hồ sơ, TTHC liên quan đến đất đai. Ông Phạm Ngọc Hoàng, Giám đốc VPĐK quyền sử dụng đất TP Hải Dương cho biết: “Gần như 100% cán bộ phải làm việc cả ngày nghỉ. Thời gian làm việc mỗi ngày thường xuyên từ 10-12 giờ. Trong khi đó, người lao động không có phụ cấp, trợ cấp tăng thêm nên gặp nhiều khó khăn".
Tương tự, VPĐK quyền sử dụng đất TP Chí Linh thường xuyên trong tình trạng quá tải khi mỗi ngày tiếp nhận, giải quyết từ 120-150 hồ sơ, TTHC. Theo bà Nguyễn Thị Minh Thùy, Giám đốc VPĐK quyền sử dụng đất TP Chí Linh, cơ sở dữ liệu đất đai thường xuyên biến động, qua nhiều thời kỳ. Việc chỉnh lý biến động đôi khi chưa kịp thời và chủ yếu thực hiện thủ công. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công việc chuyên môn còn chưa đáp ứng được yêu cầu...
Theo đánh giá của Sở TNMT, bên cạnh những hạn chế trên, hoạt động của hệ thống VPĐK quyền sử dụng đất hai cấp còn một số tồn tại như chưa có sự phối hợp chặt chẽ để thống nhất thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn dẫn đến tình trạng mỗi nơi thực hiện theo cách hiểu khác nhau. Nhiệm vụ xây dựng, quản lý và chỉnh lý đồng bộ hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính trong toàn tỉnh chưa đồng bộ, kịp thời. Nguyên nhân do hệ thống hồ sơ địa chính lưu giữ phải lập nhiều bộ, lưu trữ ở nhiều cấp, đòi hỏi chi phí lớn. Hồ sơ TTHC về đất đai quản lý phân tán, dễ thất lạc, gây khó khăn cho việc xây dựng và cung cấp thông tin đất đai cho yêu cầu quản lý và nhu cầu của người sử dụng đất...
Cá nhân, tổ chức không bị ảnh hưởng
VPĐK đất đai tỉnh thành lập trên cơ sở hợp nhất VPĐK quyền sử dụng đất tỉnh và VPĐK quyền sử dụng đất cấp huyện. VPĐK đất đai có 12 chi nhánh tại các huyện, thành phố, thị xã.
Sở TNMT khẳng định VPĐK đất đai tỉnh đi vào hoạt động, việc cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai sẽ thường xuyên, đi vào nền nếp hơn. Sở TNMT sẽ từng bước tham mưu xây dựng, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh nhằm đồng bộ hóa hồ sơ địa chính ở cả 3 cấp xã, huyện, tỉnh. Việc thực hiện TTHC của các cá nhân, tổ chức sẽ diễn ra bình thường, theo đúng quy trình, thủ tục cũ nên không bị ảnh hưởng gì.
Theo ông Hoàng Văn Thực, Giám đốc Sở TNMT, việc thành lập và đưa VPĐK đất đai tỉnh Hải Dương vào hoạt động sẽ khắc phục được những hạn chế, tồn tại về tổ chức và cơ chế hoạt động của hệ thống VPĐK quyền sử dụng đất như hiện tại. Đây là cơ sở, nền tảng cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, liên thông dữ liệu với các ngành khác, tiến tới xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia hiện đại, tập trung thống nhất. Sau khi đi vào hoạt động, VPĐK đất đai tỉnh sẽ góp phần cải cách hành chính, tăng cường hoạt động cung cấp dịch vụ công; nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.
PHAN ANH