Mỗi năm, Việt Nam có hơn 100.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài, giúp giải quyết việc làm cho khoảng 10% tổng số lao động.
Lao động học tiếng Nhật trước khi sang Nhật Bản làm việc. Ảnh: Anh Tuấn/Vietnam+
Mặc dù số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài liên tục gia tăng, bình quân mỗi năm gửi về nước khoảng 2,5 tỷ USD, nhưng chất lượng lao động xuất khẩu của nước ta lại thấp hơn so với mặt bằng chung trong khu vực.
Hơn 100.000 người xuất khẩu lao động mỗi năm
Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã đẩy mạnh hợp tác đa phương, song phương; triển khai và ký mới các văn bản, thỏa thuận hợp tác lao động giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong vài năm gần đây, có thể thấy, lĩnh vực xuất khẩu lao động đang có được những bước tăng trưởng khá ổn định và vững chắc. Năm 2017, xuất khẩu lao động đạt được con số kỷ lục với trên 134.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 28,3% so với kế hoạch năm.
2018 tiếp tục là một năm thành công với tổng số lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài đạt hơn 142.000 người, vượt 30% so với kế hoạch, là năm thứ năm liên tiếp có số lượng vượt mức 100.000 lao động.
Riêng 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã được tổng số gần 67.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 55,82% kế hoạch năm 2019. Tính chung từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã đưa được hơn 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Cùng với số lượng, chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng không ngừng được nâng cao, ngành nghề đưa đi được mở rộng; trong đó có nhiều ngành nghề mới như: điều dưỡng, hộ lý, lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao.
Hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam đang ngày càng mở rộng đến nhiều quốc gia và các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Theo Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, hiện nay, cả nước có 362 doanh nghiệp có giấy phép dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở trên 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề. Các doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm phát triển thị trường, đào tạo người lao động bài bản hơn.
Đánh giá về công tác xuất khẩu lao động trong những năm qua, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh xuất khẩu lao động đã và đang đóng góp quan trọng vào công tác giải quyết việc làm hàng năm, với khoảng 10% tổng số lao động.
Với mức thu nhập tốt, nhiều lao động sau khi đi xuất khẩu lao động về nước đã có cuộc sống tốt hơn. Hiệu quả của chương trình xuất khẩu lao động không chỉ được đo, đếm bằng hàng tỷ USD mà người lao động từ hàng chục thị trường ngoài nước gửi về hàng năm, mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương có đông người đi xuất khẩu lao động, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng quê với hệ thống hạ tầng khang trang. Cùng với đó là tạo ra một đội ngũ nhân lực chất lượng cao được tôi luyện dài ngày trong môi trường làm việc tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay
Chất lượng lao động xuất chưa cao
Theo một số chuyên gia, mặc dù số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài liên tục gia tăng nhanh, nhưng chất lượng hiện vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Lao động có trình độ chuyên môn cao ở nước ta vẫn chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn, số lượng kỹ sư và kiến trúc sư đạt tiêu chuẩn của ASEAN cũng thấp hơn so với Indonesia và Myanmar.
Trình độ tiếng Anh cũng là một điểm yếu của lao động Việt Nam. Tại Hội nghị truyền thông về xuất khẩu lao động (ngày 3 và 4.10), theo GS. TS Nguyễn Cảnh Toàn - Trường Đại học Thăng Long, các ứng viên Việt Nam có điểm trung bình IELTS là 5,78 điểm, thuộc nhóm trung bình thấp, đứng sau Malaysia (6,64 điểm); Philippines (6,53 điểm) và xấp xỉ Indonesia (5,79 điểm).
Vẫn theo PGS. TS Nguyễn Cảnh Toàn, sự chuẩn bị của lao động đến làm việc ở ASEAN, Đông Bắc Á nói riêng và các nước khác nói chung còn yếu, thiếu nhiều mặt như: Đào tạo ngôn ngữ, trang bị tối thiểu về luật pháp, văn hóa, phong tục tập quán, lối sống của quốc gia nói trên, nên việc chấp hành luật pháp còn yếu kém; không hiếm xung đột vì độ hòa nhập, thích nghi còn yếu.
Hiện tượng bỏ nơi làm việc, tự do làm việc ở nơi khác và trốn ở lại khi quá hạn gây bức xúc dư luận và nhà cầm quyền nước sở tại, ảnh hưởng không nhỏ cho kế hoạch chung xuất khẩu lao động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Đồng tình với những phân tích trên, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cũng cho rằng các điểm yếu của lao động Việt Nam là ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật, tay nghề.
Nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu
Để nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, theo lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, ưu tiên hàng đầu là cần làm tốt công tác kết nối doanh nghiệp xuất khẩu lao động với các trường nghề để tuyển chọn và đào tạo lao động, ưu tiên đầu tư trong từng chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, vùng, ngành có gắn với các chương trình, dự án về đào tạo nghề cho xuất khẩu lao động.
Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng doanh nghiệp cần cung cấp cho nhà trường nhiều hơn nữa các chương trình đi học tập, làm việc ở từng thị trường để nhà trường đưa vào thông tin tuyển sinh, tư vấn học nghề.
Trên cơ sở đó, nhà trường thực hiện tuyển sinh và tổ chức đào tạo dưới sự phối hợp, đồng hành của doanh nghiệp ngay từ đầu và trong suốt quá trình đào tạo, qua đó giúp sinh viên thực hiện tốt việc học và lao động của mình.
Song song đó, nhà trường đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các công ty xuất khẩu lao động để giải quyết đầu ra bằng cách phái cử thực tập sinh hoặc xuất khẩu lao động...
Với hình thức này, sinh viên ngay khi ra trường có thể ra nước ngoài tiếp tục học tập và làm việc ở môi trường chuyên nghiệp, nâng cao tay nghề. Khi trở về nước, họ là nguồn nhân lực chất lượng cao nhờ hội tụ các yếu tố về ngoại ngữ, tay nghề, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, có kinh nghiệm quản lý, mở ra một cơ hội mới cho bản thân cũng như phục vụ cho xã hội.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu mỗi năm dự kiến đưa đi được từ 100.000-120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 80% lao động đã qua đào tạo.
Để đạt được mục tiêu này, việc nâng cao trình độ và kỹ năng cho người lao động được xem là một giải pháp quan trọng hàng đầu. Do vậy, vai trò của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là vô cùng quan trọng trong việc đào tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo TTXVN