Có mặt tại Trường Tiểu học Quốc Tuấn (Nam Sách) vào lúc các nhân viên của trường đang chuẩn bị bữa ăn cho học sinh, chúng tôi thực sự ấn tượng do cách làm quy củ ở đây.
Nhân viên nấu ăn ở các trường đều tuân thủ yêu cầu bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm
Nhà ăn đưa vào sử dụng từ đầu năm học này rộng rãi, thoáng, nền được lát gạch đỏ, trần lợp tôn chống nóng, tường trang trí những bức tranh nhiều màu sắc về thiên nhiên, hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, món ăn ngon, bắt mắt. Toàn bộ bàn ghế, đồ đựng thức ăn đều bằng inox. Nhân viên nấu ăn tuân thủ theo đúng yêu cầu bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm như đội mũ, đeo khẩu trang, găng tay.
Cũng như Trường Tiểu học Quốc Tuấn, thời gian qua, hầu hết các trường của huyện Nam Sách từng bước hiện đại hóa bếp ăn như xây dựng theo quy trình một chiều, lát gạch men trong phòng ăn, bếp nấu, chỗ vệ sinh thực phẩm... Các trường đều ký cam kết với đơn vị cung cấp thực phẩm bảo đảm thực phẩm phải rõ nguồn gốc, xuất xứ theo quy định. Các nhân viên nấu ăn của trường đều được kiểm tra sức khỏe định kỳ, có giấy chứng nhận an toàn, vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, 100%số trường mầm non và trường tiểu học của huyện tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Trong đó 12trường ở bậc tiểu học có khu vực ăn riêng.
Các trường cũng quan tâm hơn đến giấc ngủ cho học sinh. Hiện toàn huyện đã có 9 trường tiểu học có phòng ngủ tách riêng, đáp ứng được hơn 50% số học sinh bán trú. Các phòng ngủ đều bảo đảm an toàn, đầy đủ điện chiếu sáng, quạt mát. Có 5trường đã xã hội hóa để lắp điều hòa nhiệt độ trong phòng ngủ. Trong giờ nghỉ, mỗi lớp đều có 1 - 2 giáo viên, nhân viên trông nom. Thời gian trước và sau giờ nghỉ trưa, đa số các trường cho các cháu xem ti vi, đọc sách, sinh hoạt văn nghệ...
Thầy giáo Phạm Quang Đại, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Nam Sách cho biết: "Để phục vụ tốt việc học bán trú, nhà trường chỉ nhận đủ số lượng học sinh phù hợp với điều kiện thực tế (không quá 350 em). Nhà trường có khu ăn, phòng ngủ riêng cho 150 em. Phòng ngủ đã được lắp điều hòa từ năm học trước".
Huyện Nam Sách đã xây dựng đề án về tổ chức ăn bán trú. Trong đó lựa chọn xây dựng một số trang trại bảo đảm nguồn rau xanh, thịt, trứng sạch cung cấp cho các bếp ăn bán trú. Đồng thời chỉ đạo các địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để tiến tới toàn bộ các trường có chỗ ăn ngủ riêng cho học sinh.
Từ học kỳ 2 năm học 2017 - 2018, huyện Nam Sách triển khai mô hình sản xuất và cung ứng thực phẩm an toàn cho bếp ăn bán trú các trường học. Huyện tổ chức làm điểm tại 9 trường mầm non và tiểu học, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng. Các trường học này sẽ trực tiếp ký kết, thỏa thuận về giá, chất lượng thực phẩm và các vấn đề liên quan với các đơn vị cung ứng đã được huyện rà soát thẩm định. Các cơ quan chuyên môn của huyện tập trung rà soát các cơ sở sản xuất cung ứng thực phẩm, yêu cầu các cơ sở được chọn phải bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Huyện sẽ có cơ chế hỗ trợ về giá sản phẩm đối với các trường làm điểm ban đầu.
Nhờ làm tốt công tác quản lý, chăm sóc... nên nhiều năm nay, huyện Nam Sách luôn đứng trong tốp 3 dẫn đầu của tỉnh có tỷ lệ học sinh ăn bán trú cao. Ngoài bậc mầm non duy trì được tỷ lệ trẻ học bán trú cao (chiếm gần 100%), tỷ lệ trẻ học bán trú ở bậc tiểu học cũng tăng đều hằng năm. Năm học 2016 - 2017, toàn huyện có 41,8% số học sinh tiểu học ăn bán trú, học kỳ I năm học 2017- 2018 tỷ lệ này là 46,2%.
PV