Hôm nay, hòa chung với niềm vui của học sinh cả nước, học sinh trong tỉnh nô nức đến trường dự lễ khai giảng năm học mới 2022-2023.
Trái ngược với 2 lễ khai giảng trước phải tổ chức trực tuyến hoặc chỉ làm ngắn gọn cả về nghi thức, rút gọn thành phần tham dự thì lễ khai giảng này, cả thầy và trò các trường đã được trở lại với không khí ngày hội khai trường thực sự. Còn gì vui bằng được gặp lại thầy cô, bạn bè sau bao ngày xa cách, được tay bắt mặt mừng mà không còn phải giữ khoảng cách vì e ngại dịch bệnh. Thầy cô và các trò yên tâm bước vào năm học mới khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ thầy cô và học sinh được bao phủ vaccine mũi 2, mũi 3 khá cao. Ngay trước thềm năm học mới, các trường đã tích cực vận động cha mẹ học sinh cho con đi tiêm vaccine, nhiều địa phương đẩy mạnh tổ chức tiêm chủng càng tạo thêm sự yên tâm cho thầy trò khi đến trường.
Đánh trống khai giảng năm học mới. Ảnh minh họa
Tuy năm học này đã bớt hẳn mối lo về dịch bệnh nhưng không vì thế mà chúng ta có thể chủ quan bởi trên thế giới và trong nước, dịch bệnh vẫn còn có lúc, có nơi căng thẳng. Nhiều loại biến chủng mới vẫn tiếp tục xuất hiện với nguy cơ khó lường. Trong tỉnh, số người mắc Covid-19 đã giảm nhưng vẫn có ca tử vong. Vaccine phòng dịch chỉ có hiệu lực trong một thời gian nhất định nên phải tiêm các mũi tăng cường.
UBND tỉnh mới ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023, trong đó yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo cần tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học mới chủ động, thích ứng linh hoạt với thiên tai, dịch bệnh, tổ chức dạy và học vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục. Tích cực vận động cha mẹ học sinh đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh theo hướng dẫn của ngành y tế. Để thực hiện được những nhiệm vụ này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình, cần sự ủng hộ tích cực của các bậc cha mẹ học sinh.
Không chỉ có nỗi lo về dịch bệnh, bước vào năm học mới nhiều trường vẫn còn thiếu giáo viên. Hải Dương đang thiếu tổng số hơn 1.600 giáo viên so với biên chế được giao. Việc thiếu giáo viên sẽ là gánh nặng đè lên đôi vai những thầy cô giáo đang đứng lớp giảng dạy bởi chắc chắn họ sẽ phải tăng tiết, đầu tư nhiều thời gian hơn. Một số địa phương còn thiếu phòng học, học sinh phải đi học nhờ, học tạm. Một số trường có tình trạng sĩ số lớp quá đông. Như con tôi bước vào lớp đầu cấp của một trường nội thành TP Hải Dương, lớp có đến 47 học sinh, phòng học phải trưng dụng từ phòng thí nghiệm hóa học cũ nên các cháu ngồi rất chật chội. Nhìn sang các lớp khác cũng chẳng khá khẩm hơn vì lớp nào cũng 45-46 học sinh.
Bên cạnh những băn khoăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới cũng là điều dư luận hết sức quan tâm. Năm học 2022-2023 này, ngành giáo dục bắt đầu triển khai giảng dạy chương trình, sách giáo khoa ở các lớp 3, 7 và 10 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Điểm mới đáng chú ý nhất là từ lớp 10, ngoài những môn bắt buộc học sinh sẽ được tự chọn môn học. Tuy ở các trường THPT trong tỉnh, đội ngũ giáo viên đã được bồi dưỡng, tập huấn về sách giáo khoa mới để dạy trong năm học này. Nhưng phải đi vào dạy học thực tế mới đánh giá được nhu cầu của các em học sinh để sắp xếp giáo viên đứng lớp, nên có thể sẽ thiếu giáo viên ở một số bộ môn và phải chờ hướng dẫn của cấp trên mới có thể thực hiện…
Có thể còn những băn khoăn, lo lắng, nhưng với chủ đề năm học "Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo” cùng tâm huyết của các nhà giáo, sự quan tâm chăm lo của các gia đình, cấp uỷ, chính quyền các cấp tin chắc khó khăn sẽ từng bước được tháo gỡ và niềm vui sẽ được nhân lên trong năm học mới.
KIM THANH