Ngày 1/3, các công ty dầu khí ở Na Uy đã nối lại các chuyến bay trực thăng đến các mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi nước này, hai ngày sau sự cố rơi trực thăng ở vùng duyên hải phía Tây của quốc gia Bắc Âu khiến 1 người thiệt mạng.
Giám đốc điều hành công ty năng lượng Equinor, ông Kjetil Hove, cho biết: "Dựa trên kết quả làm việc với Cơ quan Hàng không Dân dụng Na Uy (CAA), không có dấu hiệu nào cho thấy sự an toàn của trực thăng trên thềm lục địa của Na Uy bị ảnh hưởng".
Trước đó, ngày 29/2, hoạt động chuyên chở đội ngũ nhân viên đến và rời các giàn khoan khai thác dầu mỏ và khí đốt bằng trực thăng đã bị tạm dừng sau vụ tai nạn trực thăng ngày 28/2 khiến 1 người thiệt mạng và 5 người khác bị thương. Na Uy cho biết đang xem xét dừng khai thác toàn bộ trực thăng S-92A của Sikorsky thuộc Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) trong khi điều tra về vụ việc.
Hiện Cơ quan Điều tra An toàn của Na Uy vẫn đang nỗ lực xác định vị trí trực thăng rơi và chìm hàng trăm mét dưới biển.
Năm 2026, một chiếc trực thăng Airbus Super Puma trên đường trở về đất liền từ Biển Bắc đã rơi xuống khu vực tương tự, khiến toàn bộ 13 nạn nhân trên máy bay thiệt mạng.