Ngày 23.7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thực hiện chuyến công du tới 3 quốc gia Đông Nam Á là Philippines, Singapore và Việt Nam trong ba ngày.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin
Qua chuyến công du, Mỹ đã cho thấy, nước này coi Đông Nam Á và ASEAN như một phần thiết yếu của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thúc đẩy hợp tác quốc phòng-an ninh
Tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Singapore, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm Đông Nam Á lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, qua đó thể hiện quan điểm của Mỹ về an ninh ở khu vực trọng yếu này.
Với chủ đề "Tầm nhìn của Mỹ về an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên của Mỹ và Washington đang đầu tư vào khu vực này, cũng như sát cánh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, khu vực này hiện đang đối mặt với một số thách thức an ninh nghiêm trọng trong đó có vấn đề hạt nhân Triều Tiên, chủ nghĩa khủng bố, an ninh mạng, ma túy và tội phạm xuyên quốc gia. Thêm vào đó là các hành động đi ngược lại với trật tự, luật pháp quốc tế, quân sự hóa, hoặc toan tính ép buộc các nước khác phải thuận theo chiến lược của mình…
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nêu rõ không nước nào "có thể hoặc nên chi phối khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" và mối đe dọa lâu dài và lớn nhất đối với lợi ích sống còn của các nước trong khu vực xuất phát từ các nhân tố muốn phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Theo ông Austin, với phương châm thúc đẩy xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do, Mỹ sẽ tập trung tăng cường hợp tác với các đối tác trong khu vực để nâng cao khả năng phòng vệ tập thể, sẵn sàng ứng phó và hóa giải các thách thức. Bên cạnh đó, các nước đồng minh châu Á cũng cần tăng cường chi tiêu an ninh. Ông Austin khẳng định hòa bình và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải được xây dựng từ tổng hợp của mạng lưới quan hệ hợp tác của tất cả các nước trong khu vực.
Trong chặng dừng chân tại Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin đã thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines về hợp tác an ninh, mở rộng hợp tác chống khủng bố và các vấn đề quốc tế khác cùng quan tâm.
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tái khẳng định ý muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ quốc phòng với Philippines. Mỹ cho biết đã thông qua đề xuất bán máy bay chiến đấu F-16, cũng như các loại tên lửa Harpoon và Sidewinder cho Philippines, trong 3 thương vụ riêng với tổng giá trị hơn 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, hai bên vẫn cần đàm phán để đi đến ký thỏa thuận.Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines khẳng định lập trường của nước này sẵn sàng đàm phán với bất kỳ quốc gia nào để thúc đẩy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trở thành một khu vực hòa bình và ổn định.
Kết thúc hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã nhất trí thắt chặt hơn nữa quan hệ an ninh-quốc phòng, cùng chia sẻ quan điểm chung đối với chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà Mỹ đang thúc đẩy.
Sau Singapore và Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ thăm Việt Nam nhằm tạo diễn đàn trao đổi thường xuyên để thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam cũng như ASEAN và Mỹ. Dự kiến trong chuyến thăm Mỹ sẽ thúc đẩy phát triển hợp tác quốc phòng, an ninh, an ninh năng lượng, tạo thuận lợi cho thương mại và hỗ trợ y tế cho khu vực Đông Nam Á, xử lý các tranh chấp trên Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Trọng tâm trong chiến lược an ninh
Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington, nhận định, đây là chuyến thăm 3 đối tác chính trị và an ninh quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực. Trả lời báo South China Morning Post, ông Greg Poling giải thích lãnh đạo Lầu Năm Góc đã chọn 3 quốc gia nói trên trong khu vực vì những lý do khác nhau. Singapore là một "đối tác an ninh quan trọng nhất của Mỹ". Đối với Việt Nam, vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới ngày càng được củng cố, tăng cường. Điều này được thấy rõ qua Hiệp định thương mại Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) được ký kết đã mở cửa thị trường châu Âu cho Việt Nam. Việc ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng đã mở ra nhiều triển vọng cho 15 nước ký kết. Việt Nam còn là thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và cũng tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Giới quan sát nhận định, những tương tác chính trị ngày càng tăng giữa Washington và Hà Nội có thể dẫn đến mối quan hệ Việt Nam-Mỹ được nâng tầm trong tương lai. Và điều này đang phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác giữa hai bên đối với nhiều vấn đề “nóng” trong cả khu vực và quốc tế. Nhìn đến Philippines, quốc gia này là đồng minh lâu đời nhất của Mỹ nhưng lại là nơi mà "cửa ngõ ra vào của Mỹ đang bị đe dọa nghiêm trọng" sau nhiều lần Manila dọa đình chỉ thỏa thuận quân sự với Washington.
Trong khi đó, tiến sĩ Renato de Castro, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học De La Salle, ở Manila (Philippines) nhận định qua chuyến công du đầu tiên đến Đông Nam Á ngay đầu nhiệm kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Tướng Lloyd Austin, muốn chứng tỏ Washington quan tâm đến việc tăng cường hiện diện ở Đông Nam Á, khu vực được Mỹ xem là mang tính cạnh tranh chiến lược, một trọng tâm trong chiến lược an ninh, đồng thời trấn an các nước trong vùng rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden "không làm ngơ và cũng không xem nhẹ" các đối tác khu vực này.
Có thể thấy, thông qua chuyến công du châu Á đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Austin, Mỹ muốn đóng vai trò tích cực cho sự phát triển của khu vực Đông Nam Á, với ưu tiên lớn dành cho Khu vực tiểu vùng sông Mekong, chú trọng ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, thúc đẩy đầu tư vào các dự án năng lượng xanh và hỗ trợ Đông Nam Á ứng phó với đại dịch COVID-19 thông qua tăng cường hệ thống y tế, phân phối vaccine. Đặc biệt, thông qua chuyến thăm Mỹ cũng muốn củng cố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trên cơ sở tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác chiến lược để tạo nên một liên minh trong khu vực.
Cùng quan điểm trên, ông Aaron Jed Rabena, một thành viên của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Philippines, cho rằng, Đông Nam Á đang nổi lên là một khu vực trọng điểm trong cuộc tranh giành vị thế ngày một gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. “Washington hiện đang hợp tác với đồng minh và đối tác để ngăn chặn đà gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Đông Nam Á thông qua Sáng kiến Vành đai và con đường. Đây là chỉ dấu cho thấy mong muốn của Mỹ trong việc tăng cường các liên minh và đối tác an ninh trong khu vực”.
Những nhận định trên phần nào đã được khẳng định qua chia sẻ của chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trên trang Twitter cá nhân hôm 20.7, rằng: “Các liên minh và quan hệ đối tác mạnh mẽ là chìa khóa để hỗ trợ một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đó là lý do tại sao tôi đến thăm Singapore, Việt Nam và Philippines.
Theo TTXVN