Đây là luận điểm vô căn cứ, đổi trắng thay đen về tình hình tại Việt Nam.
Ngày 17.2.2022, Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW - Human Rights Watch) đã công bố cái gọi là bản phúc trình với tiêu đề “Nhốt chúng tôi ở trong nhà: Hạn chế tự do đi lại của các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam”.
Cái gọi là bản phúc trình trên thực chất là tổng hợp các nội dung mà HRW xuyên tạc về tình hình Việt Nam trong thời gian từ năm 2004-2022. Trong đó, tập trung vào việc vu cáo, xuyên tạc rằng Việt Nam đang hạn chế quyền tự do đi lại và các quyền cơ bản khác của các "nhà hoạt động", những người bất đồng chính kiến, người "bảo vệ nhân quyền".
Bản phúc trình dài 66 trang, được công bố cùng với những phát biểu hồ đồ và áp đặt của ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của HRW: “Chính quyền Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống các quyền dân sự và chính trị, khiến các nhà hoạt động và các nhà bất đồng chính kiến luôn phải đối mặt với rủi ro thường trực...”.
Bản phúc trình còn xuyên tạc trắng trợn: “Nhà cầm quyền đã áp dụng nhiều phương pháp để kiềm tỏa người dân tại gia, như cử các nhân viên an ninh mặc thường phục đóng chốt ngoài tư gia, khóa cửa ra vào của người bất đồng chính kiến bằng khóa ổ, thậm chí đổ keo đa năng vào các ổ khóa, dựng rào chắn và các chướng ngại vật, và huy động côn đồ địa phương đe dọa người dân”.
Để chứng minh cho những luận điệu vớ vẩn, áp đặt trên, HRW nêu lại các sự kiện quấy rối của các tay sai đắc lực trong quá trình chống phá đất nước ta như: Phạm Chí Thành, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Thúy Hạnh, Phạm Văn Điệp, Nguyễn Tường Thụy. Đây là những đối tượng thường xuyên làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống nhà nước ta. Các đối tượng này đã bị bắt và đang phải ngồi tù vì nhiều tội danh liên quan đến việc chống lại lợi ích dân tộc Việt Nam.
Thực tế, lâu nay các thế lực thù địch “khoác áo” nhân quyền để chống phá đất nước ta bằng nhiều hình thức khác nhau như: kêu gọi trả tự do cho các “tù nhân lương tâm”; phản đối việc bắt các tay sai mà chúng gọi là “nhà hoạt động”; phản đối, kêu gọi tẩy chay các bản án xét xử các đối tượng mà chúng đã lôi kéo thành công...
Các hình thức chống phá này được “nhai đi nhai lại” với mưu đồ là nói mãi điều sai sẽ thành điều đúng. Tuy nhiên, những năm gần đây, quần chúng nhân dân đã nâng cao cảnh giác, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch. Các tay sai phản động cũng lần lượt bị cơ quan chức năng kiên quyết đấu tranh, vô hiệu hóa nên các “chân rết" của chúng bị chặt đứt dần dần.
Vì vậy, bản phúc trình nói trên thể hiện sự bế tắc của các thế lực thù địch khi mà không còn nhiều người trong nước bị lôi kéo, mua chuộc. Cực chẳng đã, chúng đành phải “chuyển hướng” xuyên tạc, bôi nhọ về quyền tự do đi lại của những kẻ phản bội. Mục đích chính của chúng là làm méo mó hình ảnh của đất nước ta trên trường quốc tế. Từ đó, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các đối tác thương mại tẩy chay Việt Nam. Về lâu dài, sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội; từ đó, làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Thực chất, HRW không vì nhân quyền ở Việt Nam.
Tất nhiên, với các tổ chức nhân quyền như HRW, ngoài việc tài trợ của các thế lực thù địch thì việc tuyên bố các bản phúc trình như trên cũng không ngoài mục đích kêu gọi tài trợ. Vì thế mà trên website của tổ chức này luôn hiện từ “donate now” (ủng hộ ngay bây giờ); và sau mỗi bài viết đều có một biểu mẫu kêu gọi: “Món quà được khấu trừ thuế của bạn có thể giúp ngăn chặn vi phạm nhân quyền và cứu sống khắp nơi trên thế giới. Ủng hộ ngay: 50$, 100$, 250$...”.
Tất nhiên, số tiền tài trợ, ủng hộ cho tổ chức này sẽ không được sử dụng để bảo vệ nhân quyền mà chỉ nhằm chống phá những đất nước không cùng “phe” với chúng.
TRẦN LÂM