Muốn phát triển đất nước phải sử dụng được công nghệ

28/12/2019 13:33

Phát triển Chính phủ điện tử là một nội dung trọng tâm của hội nghị tổng kết công tác năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 28.12.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữa) tặng hoa cho các cán bộ thuộc chương trình đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử 

Sáng 28.12, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự hội nghị.

Năm 2019, các chỉ số của ngành thông tin và truyền thông của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Theo báo cáo về Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính năm 2019 do Liên minh Bưu chính thế giới, Việt Nam xếp thứ 45/172 quốc gia (tăng 5 bậc so với năm 2018); trong lĩnh vực viễn thông, điểm đánh giá chỉ số IDI của Việt Nam đạt điểm tương ứng với hạng 81 (ngang với Trung Quốc và Iran).

Việt Nam đã có sự thăng tiến mạnh mẽ trong bảng xếp hạng về an toàn, an ninh mạng toàn cầu do Liên minh Viễn thông quốc tế đánh giá, từ thứ hạng 100 (2017) lên thứ hạng 50 (năm 2019).

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có những bước tiến mạnh mẽ nhất trên bảng xếp hạng 140 quốc gia của WEF, với việc tăng 10 bậc về chỉ số GCI (từ vị trí 77 năm 2018 lên thứ hạng 67).


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa cho Liên minh phát triển Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam

Một trong những nội dung trọng tâm của hội nghị là thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử trong đó Bộ Thông tin và truyền thông là đơn vị được chọn thí điểm bộ điện tử - là mô hình điểm cho Chính phủ điện tử.

Theo ông Nguyễn Thế Trung, tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ DTT, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam hiện đang đứng top 6 ở Đông Nam Á, mới ở mức độ trung bình. Dù vậy, Việt Nam có nhiều điều kiện để thoát ra khỏi tình trạng trung bình về Chính phủ điện tử.

Ông Nguyễn Thế Trung cho rằng chủ trương Chính phủ điện tử là một chủ trương đột phá để xây dựng Chính phủ phục vụ và kiến tạo. Việc phát triển Chính phủ điện tử sẽ minh bạch hóa về trách nhiệm giải trình, giảm thiểu tham nhũng, hướng đến bộ máy hoạt động hài hòa, phục vụ tốt hơn…

Trong sáng nay, Bộ Thông tin và truyền thông đã khởi động chương trình đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử cho các bộ ngành địa phương.

Liên minh phát triển Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam gồm 21 doanh nghiệp, cũng được ra mắt với trách nhiệm phát triển sản phẩm có chất lượng để hình thành hệ sinh thái đầy đủ của Việt Nam, phục vụ chính phủ điện tử, đô thị thông minh và các hệ thống thông tin quốc gia...


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Muốn phát triển đất nước phải sử dụng được công nghệ" 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá ngành thông tin và truyền thông năm qua đã có những bước tiến bộ vượt bậc, công tác quản lý nhà nước về cán bộ đã có nhiều tiến bộ, "lời nói đi đôi với hành động". 

Thủ tướng cũng đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm quy hoạch báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng như nỗ lực quản lý mạng xã hội nước ngoài ở Việt Nam, đặc biệt là đóng góp của bộ này cho công tác xây dựng Chính phủ điện tử.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới vô cùng phức tạp, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức về an toàn, an ninh mạng; thách thức trong việc bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng, quản lý các dịch vụ xuyên biên giới; chuyển đổi số. Trong nước, báo chí cũng phải chuyển đổi mô hình để phù hợp với sự phát triển của thời đại số.

"Báo chí vừa qua có tiến bộ, nhưng trong quản lý nhà nước còn nhiều bất cập. Hoạt động nhiều tờ báo chưa đúng tôn chỉ mục đích, báo hóa tạp chí, báo hóa trang tin; nhũng nhiễu doanh nghiệp. Không thể để tình trạng tự do vô tổ chức của báo mạng kéo dài. Chính tin tức tiêu cực đã làm suy giảm niềm tin xã hội", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia nên các cấp, các ngành phải tập trung toàn lực. "Muốn phát triển đất nước phải sử dụng được công nghệ", Thủ tướng nói.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Muốn phát triển đất nước phải sử dụng được công nghệ