Theo Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh Zika cũng truyền từ muỗi Aedes (loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết).
Bất cứ một người nào cũng dễ dàng bị nhiễm bệnh khi bị muỗi mang virus đốt, bệnh đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai.
Theo ThS.BS. Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh Zika cũng truyền từ muỗi Aedes (loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết). Có hai loài chính là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó Aedes aegypti sống ở trong nhà còn Aedes albopictus sống ở cây ngoài nhà hai loài này có thể kết hợp gây ra các vụ dịch.
Virut Zika cũng truyền chủ yếu qua các muỗi Aedes, ngoài muỗi, Zika có thể truyền qua các đường khác như đường tình dục, mẹ truyền qua thai nhi. Để tạo nên dịch thì cần có các yếu tố, yếu tố thứ nhất là phải có mầm bệnh, đó là virut.
Thứ hai là phải có vật chủ là người mang mầm bệnh đó và trung gian truyền bệnh. Đối với hai bệnh này đều truyền qua muỗi. Ở miền Bắc mới chỉ có muỗi, người mang mầm bệnh có thể chưa có ở khu vực phía Bắc hoặc có ít nên việc tầm soát chưa phát hiện ra.
Với tốc độ di chuyển như bây giờ chúng ta có thể trong vòng 24 giờ có thể từ Mỹ về Việt Nam nên nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các khu vực khác là rất dễ. Để phòng bệnh, cần tiến hành giống như SXH, tất nhiên Zika có thêm một số biện pháp khác nhưng trong đó chủ đạo vẫn là diệt muỗi.
Còn theo GS - TS Phạm Nhật An, nguyên PGĐ BV Nhi Trung ương, virut Zika có thể lây truyền qua nhau thai, gây ra những dị tật và chủ yếu là dị tật đầu bé, đó cũng là một cái khác so với virus Dengue, Virus Dengue cũng có thể lây qua nhau thai và chủ yếu ở giai đoạn cuối và cũng không thể gây ra dị tật. Tỷ lệ mắc Zika ít, triệu chứng Zika nhẹ không như SXH. Đối với Zika cần đặc biệt chú ý ở những đối tượng như mẹ mang thai.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thời gian ủ bệnh Zika khoảng 2-12 ngày sau khi bị muỗi đốt. Khoảng 75-80% số bệnh nhân bị nhiễm virus Zika không có biểu hiện lâm sàng. Các bệnh nhân có biểu hiện bệnh thường nhẹ. Bệnh nhân thường khởi phát cấp tính với các biểu hiện sốt nhẹ (37,8-38,5 ° C), mệt mỏi, mọc ban dát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân, viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược. Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa. Cần chỉ định theo dõi siêu âm thai đối với phụ nữ có thai nghi nhiễm virus Zika để có thể phát hiện biến chứng thai nhi đầu nhỏ.