Mười hai năm du học, cũng là chừng đó thời gian tôi không được tận hưởng “hương vị Tết”.
Những người lao động, học tập ở các không gian văn hóa - xã hội phương Tây sẽ hiểu rất rõ cảm giác hụt hẫng mỗi độ Tết đến, Xuân về.
Trong khi lòng mình chộn rộn, náo nức hướng về quê nhà thì xung quanh, người ta vẫn làm việc bình thường. Ở các khu vực có cộng đồng người Việt và đông sinh viên Việt Nam, đồng bào xa xứ còn có thể tụ họp, tổ chức sự kiện, vui và đỡ nhớ nhà. Nhưng với phần lớn du học sinh trên đất Mỹ, Tết thường diễn ra trong lặng lẽ, khắc khoải. Dù ở đâu, tổ chức thế nào thì Tết nơi đất khách cũng không có được hương vị đặc trưng khi sắc xuân về rộn rã trên khắp quê hương.
Tôi may mắn có giáo sư hướng dẫn là người rất gắn bó và có thiện cảm với Việt Nam. Ông hiểu ý nghĩa đặc biệt của ngày Tết cổ truyền nên thường chủ động mời sinh viên Việt Nam, cùng bạn bè Mỹ và quốc tế đến nhà mỗi dịp chào đón năm âm lịch mới, mà họ gọi là "Lunar New Year".
Mỗi sinh viên thường sẽ đem theo một vài món đồ ăn nào đó trong ngày Tết để đóng góp vào bữa tiệc "tất niên gộp với tân niên". Bữa tiệc sẽ rất đa dạng về đồ ăn bởi sinh viên đến từ nhiều nơi khác nhau đều cố gắng chuẩn bị một vài món thật độc đáo, đặc trưng địa phương để giới thiệu với các bạn quốc tế. Trong khi thưởng thức đồ ăn, phần không thể thiếu là câu chuyện về phong tục, tập quán, và ý nghĩa của những hoạt động trong ngày Tết ở Việt Nam.
Có một năm tôi phải rất cố gắng để dịch và giải thích câu "Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy" cho một số bạn Mỹ. Câu này trong tiếng Việt nghe rất hay, cả về âm tiết và ngữ điệu, nhưng dịch ra tiếng Anh sẽ dài dòng và khó giữ được vần điệu.
Thay vì gắng dịch cho hay, tôi tập trung giải thích thông điệp từ câu truyền miệng nêu trên. Điểm đáng chú ý nhất là người Việt Nam đặt Thầy giáo gần như ngang hàng với Cha, Mẹ - những người có công sinh thành, nuôi dưỡng, và giáo dục mỗi cá nhân nên người. Đây cũng là điểm gây ngạc nhiên nhất cho các bạn Mỹ và một số nước khác.
Tôi bổ sung thêm là cho đến cuối thế kỷ 20, ở một số địa phương vùng nông thôn Bắc Bộ, người dân vẫn gọi Cha, Mẹ mình là "Thầy, U". Cho đến đầu thế kỷ 21, học sinh vẫn gọi Thầy, xưng Con. Với người phương Tây nói chung, bố - mẹ có vai trò như thầy giáo thì dễ hiểu nhưng thầy giáo cũng như bố - mẹ, và học sinh như con - em thì quả thực là sự lạ.
Tôi giải thích ngắn gọn, bởi Việt Nam chịu ảnh hưởng của Nho giáo, rất coi trọng việc học. Từ xưa, ông Thầy có vị thế khá cao trong suy nghĩ của học trò và phụ huynh, thể hiện qua câu "Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy". Việt Nam hiện nay có hẳn một ngày trong năm để tôn vinh thầy, cô giáo, và nghề giáo. Về mặt xã hội, với đại đa số người dân ngày xưa là nông dân thì học hành và thi cử là cách khả dĩ nhất giúp thay đổi cuộc đời. Ngày xưa ít trường học cho nên muốn học là phải chọn theo thầy, hết mực yêu kính thầy để thầy dạy chữ cho. Học hết chữ của thầy này lại tìm đến thầy khác giỏi hơn để học tiếp, rồi đi thi. Nếu thi đỗ thì được ra làm quan cho chính quyền, nhờ đó thay đổi được cuộc sống và vị thế xã hội.
Trong câu chuyện về "tôn sư, trọng đạo", các bạn Mỹ chia sẻ, từ khi lập nước, các vị "khai quốc công thần" của họ như Thomas Jefferson cũng đề cao giáo dục, đề cao việc học. Nhưng người Mỹ nhấn mạnh hơn vào vai trò của nhà trường chứ không phải cá nhân giáo viên cụ thể. Quan hệ giữa thầy giáo và người học là bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, chứ không phân thứ bậc quá rõ ràng như trong văn hóa Việt Nam.
Một số bạn Mỹ ca ngợi nét đẹp "tôn sư, trọng đạo" của người Việt. Ở góc độ nào đó, họ cho rằng phân biệt tôn ti, trật tự, thứ bậc rõ ràng như vậy cũng có cái hay là "thầy ra thầy, trò ra trò", gắn với các chuẩn mực ứng xử đề cao đạo đức xã hội.
Nhưng tôi chia sẻ lại rằng Việt Nam đang có xu hướng hiện đại hóa, các trường học chuyển sang triết lý coi người học là trung tâm. Nhiều nhà quản lý, thầy cô giáo, và phụ huynh lại khuyến khích mối quan hệ bình đẳng hơn giữa thầy và trò. Xu hướng đề cao sự bình đẳng trong quan hệ thầy trò là dấu ấn của tiến trình du nhập tư tưởng tự do trong giáo dục vào một nước Á Đông truyền thống như Việt Nam.
Chúng tôi không sa đà vào tranh luận quan điểm nào hay hơn, phù hợp hơn. Điều dễ đồng thuận là mỗi nước đều có lịch sử và truyền thống, kể cả các quan niệm về vị thế, vai trò của người giáo viên, cũng như quan hệ giữa Thầy và Trò. Bởi thế, bất cứ sự cực đoan nào, cổ xúy hiện đại hay truyền thống thái quá, cũng đều dẫn đến cách hiểu không đầy đủ, và những hệ lụy.
Duy trì truyền thống "tôn sư, trọng đạo" kiểu cũ, xã hội có thể phải chấp nhận những thế hệ người học thụ động, kém sáng tạo. Nhưng đề cao quan điểm tự do hiện đại thì lại có thể phải chấp nhận những ứng xử "trái tai, gai mắt" so với các chuẩn mực truyền thống trong không gian trường học.
Trong những bữa tiệc tất niên xa xứ, tôi không quên truyền thống Việt Nam "Tết thầy", bày tỏ lòng cảm ơn và sự kính trọng với các giáo sư người Mỹ. Họ hết sức xúc động và cảm thấy rất thú vị, vinh dự. Có ông giáo sư vui vẻ cảm ơn và hóm hỉnh chúc tôi "đổi đời làm quan" sau khi về nước, như một cách mong tôi thành công trong sự nghiệp.
Tôi trở về nước rồi trở thành thầy giáo. Hằng năm, trong niềm vui chung mỗi dịp Tết, tôi có niềm vui riêng của người được đi Tết thầy và cũng được một số học trò "Tết thầy". Theo tôi, chúc Tết thầy, cô là một thông lệ đẹp trong những ngày Tết Việt, nên được bảo lưu và phát huy.
NGUYỄN VĂN ĐÁNG
Tiến sĩ Quản trị công và Chính sách