2020 được coi là năm đặc biệt với Chính phủ khi khá thành công với “mục tiêu kép”, nghĩa là vừa đạt tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát dịch bệnh. Năm 2021, "mục tiêu kép" sẽ vẫn được duy trì, nhưng với những mục tiêu lớn hơn.
Hàng năm, thường chỉ có 2 hội nghị Chính phủ với địa phương được tổ chức. Một lần là vào giữa năm, hai là những ngày cuối cùng của năm dương lịch để tổng kết và triển khai nhiệm vụ cho năm tới. Đây được coi là hội nghị lớn nhất, khi quy tụ lãnh đạo Chính phủ, các thành viên Chính phủ, bộ ngành, lãnh đạo tất cả địa phương.
Năm 2020, có một hội nghị Chính phủ với địa phương đặc biệt được tổ chức chưa từng có tiền lệ, vào đầu tháng 4. Bối cảnh diễn ra sau 2 tháng Việt Nam đối mặt với dịch Covid-19. Tâm dịch khi đó là Sơn Lôi, là Hà Nội với ca bệnh 17, đất nước bước vào thời kỳ giãn cách xã hội.
Hội nghị Chính phủ với địa phương khi đó được ví như “hội nghị diên hồng” để bàn các giải pháp chống dịch, nhưng vẫn phải duy trì nền kinh tế không bị đứt gãy. Đây là vấn đề không hề đơn giản khi cả thế giới đang vật lộn với cuộc khủng hoảng y tế, kéo theo khủng hoảng kinh tế chưa từng có tiền lệ.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát đi thông điệp quan trọng: “Việt Nam phải thực hiện thắng lợi mục tiêu kép”, đó là vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. “Mục tiêu kép” có thể được coi là dấu ấn đặc biệt của năm 2020, khi đất nước đạt mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Và năm 2021, mục tiêu này sẽ vẫn phải được duy trì, nhưng với mục tiêu tăng trưởng GDP là 6%.
Ngày 1.12.2019, Trung Quốc phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên. Dịch bệnh nhanh chóng lây lan ra toàn thế giới. Một loạt các nước châu Á cũng phát hiện ca nhiễm ngay sau đó: Ngày 20.1.2020 là Hàn Quốc còn Nhật Bản là ngày 23.1. Ngày 21.1, ca bệnh Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại Mỹ. Tại châu Âu, ngày 23.1, một loạt nước là Anh, Tây Ban Nha, Nga… công bố ca bệnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19 rất dễ lây lan, gây ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe con người, có thể gây tử vong, thời gian ủ bệnh lại kéo dài. Trong khi đó, thế giới gần như chưa có thông tin nhiều về chủng virus mới này, không có thuốc chữa đặc hiệu, cũng chưa có vaccine.
Dịch bùng phát gây ra tâm lý hoang mang trên toàn thế giới. Từ một cuộc khủng hoảng y tế nhanh chóng kéo theo một cuộc khủng hoảng về kinh tế, khi mọi giao thương trên thế giới bị đình trệ. Các ngành hàng không, du lịch, vui chơi giải trí, ăn uống… ngay lập tức chịu ảnh hưởng nặng nề, sau đó lan sang các ngành khác.
Các nước trên thế giới buộc phải chọn một trong 2 mục tiêu, là phong tỏa để đối phó với dịch bệnh hay tiếp mở cửa để phát triển kinh tế. Nhiều nước áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để chống dịch, chấp nhận nền kinh tế suy thoái, đóng băng. Một số nước khác thì hạn chế phong tỏa, nhưng lại kéo theo số lượng ca bệnh tăng nhanh chóng.
Ngày 23.1.2020, Việt Nam công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Cũng như nhiều nước, Việt Nam đối mặt cùng lúc với 2 cuộc khủng hoảng là y tế và kinh tế. Tuy vậy, Chính phủ không đặt lên bàn cân vấn đề chỉ phát triển kinh tế, hay chỉ khống chế dịch bệnh, mà lựa chọn cả hai. Khác với các cuộc khủng hoảng kinh tế từng xảy ra, độ mở của nền kinh tế Việt Nam khi xảy ra dịch Covid-19 là trên 200% quy mô GDP. Do đó, các tác động bên ngoài gây ra nhiều ảnh hưởng tới nền kinh tế. Để đạt được “mục tiêu kép”, có rất nhiều thách thức nằm cả ở bên trong và bên ngoài cần khắc phục, hay nói cách khác là bài toán cân bằng giữa các mục tiêu. Nếu mở cửa, Việt Nam có thể đối mặt số ca bệnh tăng vọt, hệ thống y tế quá tải. Còn nếu đóng cửa trong dài hạn, kinh tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn, có thể đứt gãy và khó phục hồi. Khi đó, Chính phủ lựa chọn thực hiện từng bước một, với ưu tiên hàng đầu là chống dịch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2020 đã phải 2 lần hạ dự báo tăng trưởng GDP do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, UNDP, ADB… cũng hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam và cho rằng đây là năm đầy khó khăn, thách thức với tất cả quốc gia trên thế giới. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng “mục tiêu kép” vẫn có những ưu tiên nhất định. Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là phải khống chế được dịch bệnh. Khi đã khống chế được dịch bệnh mới có điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội. |
Tuy gặp nhiều thách thức “chưa từng có”, Việt Nam vẫn nổi lên trở thành quốc gia vừa chống dịch hiệu quả, vừa không để nền kinh tế rơi vào suy thoái, hay nói cách khác, “mục tiêu kép” đã đạt được với dấu ấn đặc biệt.
Về chống dịch, ngay cuối tháng 4 (3 tháng sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên), Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên công bố an toàn, kiểm soát thành công dịch bệnh. Với việc chỉ ghi nhận hơn 300 ca nhiễm và không có trường hợp tử vong, Việt Nam là 1 trong những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất châu Á, được truyền thông quốc tế ngợi ca như một “điểm sáng” của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Khi dịch bùng phát lần 2 vào cuối tháng 7, Việt Nam chỉ mất 1 tháng để kiểm soát các ổ dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương. Tổng chi phí dành cho công tác chống dịch của Việt Nam chưa đến 400 triệu USD. Với quy mô dân số gần 100 triệu người, nằm ngay sát “ổ dịch” Trung Quốc, Việt Nam không chỉ ngăn chặn dịch hiệu quả mà còn là một trong những nước chống dịch tiết kiệm nhất.
Trong khi đó, trên “mặt trận kinh tế”, Việt Nam cũng đạt được những kết quả mà ít quốc gia nào đạt được. Một loạt lĩnh vực phục hồi mạnh mẽ sau dịch như nông nghiệp, công thương, tài chính, ngân hàng… Tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2,9%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Nhiều chuyên gia nhận định đây là thành tích đáng tự hào trong bối cảnh các nước trong khu vực đều tăng trưởng âm.
Tạp chí The Economist tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất.
Đáng chú ý, “cỗ xe tam mã” gồm tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư công đã có những bước cải thiện đáng kể, giúp kéo cả nền kinh tế đi lên trong bối cảnh rất khó khăn.
Tính chung năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt kỷ lục, vượt 540 tỷ USD. Việt Nam có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đáng chú ý, Việt Nam đã xuất siêu kỷ lục gần 20 tỷ USD.
Việt Nam cũng là "ngôi sao" thu hút FDI trong bối cảnh dịch bệnh, với số vốn đầu tư khoảng gần 30 tỷ USD. Một điểm đáng mừng là năm 2020 đã có 134.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 2,236 triệu tỷ đồng, giảm 2,3% về số doanh nghiệp, nhưng tăng 29,2% về vốn đăng ký. Bên cạnh đó, còn có 44.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Tuy rất thành công với “mục tiêu kép” trong năm 2020, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh không được chủ quan, lơ là, nhất là khi dịch bệnh có thể quay lại Việt Nam bất cứ lúc nào. Bằng chứng là tháng 11.2020 đã xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh sau khi có sự chủ quan, lơ là trong công tác cách ly người Việt Nam ở nước ngoài về. Rất may khi đó, TP Hồ Chí Minh đã khoanh vùng nhanh chóng và dập dịch hiệu quả, tránh để lây lan ra cả nước.
TS Trần Hoàng Ngân, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng trong năm 2021, Chính phủ sẽ lại tiếp tục kiên trì với “mục tiêu kép” trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, ông đồng tình với việc vẫn phải có thứ tự ưu tiên trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, trong đó việc kiểm soát dịch bệnh là điều tiên quyết, là số một.
“Từ sự bùng phát dịch ở các nước láng giềng và nhiều nước trên thế giới cho thấy biến Covid-19 vẫn là phức tạp trong năm 2021 nên không được chủ quan và coi đây là nhiệm vụ hàng đầu. Chỉ cần kiểm soát dịch bệnh là kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại”, ông nói. Song song với kiểm soát dịch bệnh, TS Trần Hoàng Ngân cho rằng cần đầu tư nhiều công sức và trí tuệ cho việc hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thuận lợi. “Thể chế là quan trọng nhất, và phải thay đổi tư duy về thể chế”, ông nhấn mạnh. Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh môi trường đầu tư kinh doanh sẽ phải thông thoáng hơn, giảm tiếp xúc người với người, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử. Ngoài ra, cũng cần đầu tư hạ tầng đồng bộ gồm hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hạ tầng số. Hạ tầng số cần được đầu tư đúng mức, trên cơ sở đó phát triển kinh tế số và xã hội số. Ông nhấn mạnh đầu tư công phải được dẫn dắt trong các khoản đầu tư này. Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển TPHồ Chí Minh cũng nhấn mạnh cần tiếp tục thu hút đầu tư trong nước, phát triển kinh tế dân doanh, tạo ra nhà đầu tư trong nước lớn, đón đầu các nhà đầu tư lớn trên thế giới chọn Việt Nam để đầu tư. Trong khi đó, PGS TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, cho rằng cần phải nhanh chóng khôi phục các trụ cột của nền kinh tế. Ông nhắc đến “cỗ xe tam mã” gồm xuất khẩu, đầu tư công và tiêu dùng trong nước cần tiếp tục được duy trì. Về xuất khẩu, cần tiếp tục khơi thông bằng cách tận dụng những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, điển hình như EVFTA, CPTPP. Về đầu tư công, cần đẩy mạnh hơn nữa tốc độ giải ngân. Đặc biệt, cần tạo điều kiện cho kênh tư nhân có thể tham gia các dự án đầu tư công, tạo sự lan tỏa, giúp khôi phục tăng trưởng. Về kích cầu tiêu dùng nội địa, ông Tuấn nhấn mạnh đây vẫn phải là một trong những ưu tiên hàng đầu. Ông phân tích, sau dịch bệnh thói quen tiêu dùng đã dần thay đổi. Người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm hơn, hạn chế chi tiêu. Do đó, cần phải có biện pháp kích cầu, làm sao để người dân mua sắm nhiều hơn, khi đó sẽ kích thích sản xuất, làm tăng trưởng kinh tế phục hồi. Về lâu dài, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng cần phải tận dụng Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, bắt nhịp công nghệ mới của thế giới. Ông nhấn mạnh đây là cơ hội vàng cho Việt Nam. Nếu Việt Nam tận dụng được chuyển đổi số nhanh sẽ có thể vươn lên trở thành một nước thu nhập cao trong tương lai. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong bối cảnh hiện tại, vừa phải duy trì, củng cố kết quả đạt được, vừa phải quyết liệt thực hiện giải pháp để cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, tăng năng suất lao động để đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững để tránh nguy cơ tụt hậu. Theo ông, bản thân nền kinh tế trong thời gian tới cũng phải thực hiện "mục tiêu kép". Đó là vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện mạnh mẽ năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất, đưa nền kinh tế phát triển nhanh liên tục... Phát biểu vào những ngày cuối năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”; tô điểm cho bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam. |
Năm 2021, dù dịch Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp trên toàn thế giới, nhưng Chính phủ kiên trì thực hiện mục tiêu kép, đó là kiểm soát được dịch bệnh, phấn đấu mức tăng trưởng 6%. Thậm chí Thủ tướng còn mong muốn đạt mục tiêu GDP cao hơn nữa. Ông nhấn mạnh lúc này không được chủ quan, và có thể làm tốt hơn nữa. “Hơn lúc nào, đây là thời điểm củng cố niềm tin, nền kinh tế, đất nước ta đang tiến nhanh về phía trước và chắc chắn dân tộc ta sẽ tiến nhanh hơn nữa về phía trước”, Thủ tướng nói. |
Theo Zing