Hải Dương cơ bản thực hiện tốt mục tiêu kép phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội

06/07/2023 16:19

Chiều 6.7, Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII đã nghe dự thảo các báo cáo quan trọng do Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng.

Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương gợi ý thảo luận

Hội nghị nghe đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương đọc tóm tắt báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Quy mô kinh tế đứng thứ 5 vùng đồng bằng sông Hồng

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Hải Dương đã cơ bản thực hiện được mục tiêu kép vừa tập trung phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Qua nửa nhiệm kỳ, tỉnh Hải Dương đạt và vượt 9 trong 19 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu theo tiến độ mỗi năm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giai đoạn 2021-2023 ước tăng bình quân 8,58%/năm. Quy mô kinh tế năm 2022 đạt 169,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với năm 2020, đứng thứ 11 cả nước và thứ 5 vùng đồng bằng sông Hồng. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 95 triệu đồng (4.030 USD). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 40,7%.

Hải Dương là một trong 5 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Dự kiến hết năm 2023 có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 234 sản phẩm OCOP.

Giai đoạn 2021-2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 59.872 tỷ đồng, trong đó thu nội địa bình quân tăng 3,3%/năm. Tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2021-2022 đạt 102,4 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 2,2%/năm. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.087,4 triệu USD (cấp mới 59 dự án, điều chỉnh vốn 78 lượt dự án).

Hải Dương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ 1 trong 3 công trình trọng điểm của nhiệm kỳ này là tuyến đường trục Bắc - Nam huyện Thanh Miện, đấu nối với nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, kết nối từ đường tỉnh 392 huyện Bình Giang với đường tỉnh 396 đi Ninh Giang (đường trục Đông-Tây tỉnh), bao gồm 2 dự án: Dự án đầu tư xây dựng đường trục Bắc - Nam, huyện Thanh Miện khởi công từ ngày 10.6.2023; tổng vốn giải ngân đến hết tháng 5.2023 là 50,6 tỷ đồng, đạt 14,9% tổng vốn đã cấp. Dự án đầu tư xây dựng nút giao liên thông kết nối đường tỉnh 392, huyện Bình Giang với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã khởi công tháng 4.2022, dự kiến hoàn thành trong tháng 2.2024.

Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương đọc tóm tắt báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025

Những điểm sáng về y tế, giáo dục

Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, Hải Dương tiếp tục duy trì chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn. Học sinh giỏi quốc gia luôn ở vị trí 6 tỉnh đứng đầu cả nước. Toàn tỉnh có 661 trong 779 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 84,8%. Nhiều chỉ tiêu về y tế của tỉnh đạt và cao hơn mức bình quân chung cả nước như: Đạt 11 bác sĩ/vạn dân (mục tiêu Đại hội là 10 bác sĩ/vạn dân); 3,8 dược sĩ/vạn dân (toàn quốc là 3,1); 31,7 giường bệnh/vạn dân (toàn quốc là 29,5); tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế là 99,1% (toàn quốc là 96%).

Giai đoạn 2021-2022, trong tỉnh có thêm 26 di tích di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Hải Dương đang phối hợp với tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bắc Giang xây dựng Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO vinh danh là di sản thế giới. Tỉnh tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao các cấp lần thứ IX năm 2021-2022; đăng cai tổ chức môn bóng bàn trong chương trình SEA Games 31, chương trình Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX.

Lĩnh vực lao động việc làm, bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng thực hiện. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45,49%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ dự kiến đến cuối năm 2023 đạt 32%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,15% năm 2021 xuống còn 1,69% năm 2022 (11.037 hộ). Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đang cung cấp 1.970 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 586 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến chiếm 56,6%, xếp thứ 12 trong 63 tỉnh, thành phố.

Cùng với đánh giá kết quả đạt được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan của những hạn chế; đồng thời đưa ra các nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện trong nửa cuối nhiệm kỳ 2020-2025.

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương đọc tóm tắt dự thảo báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương đọc tóm tắt dự thảo báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII.

Theo đó, trong nửa nhiệm kỳ qua, tỉnh Hải Dương có nhiều thời cơ, điều kiện thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp của tình hình chính trị - kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, tập thể và cá nhân các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết Trung ương IV gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Các cấp ủy trong tỉnh Hải Dương đã kiểm tra 2.601 tổ chức đảng và 2.640 đảng viên; giám sát chuyên đề đối với 1.411 tổ chức đảng và 2.291 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra 2.192 tổ chức đảng; giám sát chuyên đề đối với 1.024 tổ chức đảng và 995 đảng viên; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 68 tổ chức đảng, 223 đảng viên. Đến hết quý II.2023, toàn tỉnh Hải Dương kết nạp được 5.329 đảng viên; phát triển được 27 tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân.

Hải Dương đã thành lập và kịp thời kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; thành lập bộ phận tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp huyện về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, UBND tỉnh, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội cũng có nhiều đổi mới, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Quang cảnh hội nghị

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ

Dự thảo báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế và nguyên nhân chủ quan của các hạn chế.

Trong các nguyên nhân chủ quan có nguyên nhân là nội dung, phương thức lãnh đạo của một số cấp ủy chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cấp uỷ, người đứng đầu địa phương, đơn vị thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, trong cải cách hành chính; phân công, phân cấp giải quyết công việc chưa rõ ràng. Một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức (trong đó có cả người đứng đầu) chưa nêu cao tinh thần nêu gương; năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng còn hạn chế; tinh thần, thái độ thực thi công vụ yếu kém, còn gây khó khăn, phiền hà nhưng chưa được kiểm tra, giám sát để xử lý, chấn chỉnh kịp thời.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đề xuất 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ để tập trung thực hiện. Trong đó, Tỉnh ủy Hải Dương sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, gắn với triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án của tỉnh nhằm cụ thể hoá và vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn địa phương. Đẩy mạnh thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức. Kiên quyết bố trí, sắp xếp đối với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không chấp hành chủ trương, nghị quyết của cấp trên. Lãnh đạo MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần thiết thực, hiệu quả vào mục tiêu tăng trưởng và ổn định xã hội của tỉnh…

Sau khi hội nghị nghe xong các báo cáo, đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương gợi ý thảo luận. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ các báo cáo, tờ trình; sôi nổi thảo luận, đánh giá đúng những tồn tại, hạn chế; đồng thời chỉ rõ những điểm nghẽn, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân đối với những hạn chế và đề xuất những giải pháp, cách làm để Hải Dương có sự phát triển bứt phá, thực hiện được những mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Cuối giờ làm việc buổi chiều và trong sáng 7.7, các đại biểu chia thành 4 tổ thảo luận.

Một số nội dung khác được xem xét, thảo luận tại hội nghị (không trình bày trực tiếp tại hội nghị) là: Báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; kết quả công tác xây dựng Đảng, MTTQ và các tổ chức  chính trị - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; kết quả cuộc giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác đầu tư công trên địa bàn; những công việc đã chỉ đạo thực hiện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy giữa 2 kỳ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Báo điện tử Hải Dương sẽ tiếp tục cập nhật nội dung các phiên thảo luận tại tổ.

Một số kinh nghiệm qua nửa nhiệm kỳ

1. Phải luôn luôn nắm vững và nghiêm túc chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Quy chế làm việc và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao từ nhận thức đến hành động; đồng thời phải có sự đổi mới trong việc tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết với phương châm lựa chọn những công việc trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo quyết liệt theo tinh thần 5 rõ, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện. Nêu cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa của cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị.

2. Tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hệ thống chính trị; nắm vững, thực hiện thật tốt các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; đoàn kết thống nhất; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp; kiên định, nhất quán, giữ vững nguyên tắc trước những vấn đề khó khăn, thách thức mới. Đối với những vấn đề lớn, khó, phức tạp, nhạy cảm, còn nhiều ý kiến khác nhau, thì cần phải đưa ra thảo luận một cách dân chủ, thẳng thắn, kỹ lưỡng để có những quyết định kịp thời, đúng đắn, chính xác và phù hợp với tình hình.

3. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, lập quy hoạch, kế hoạch phát triển; xác định các mục tiêu, chỉ tiêu trọng tâm, phù hợp với khả năng và nguồn lực thực tiễn của địa phương. Chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư; phát triển kinh tế gắn với bảo đảm các vấn đề về an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy tự chủ, năng động của các cấp, các ngành.

4. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị; chú trọng việc quán triệt, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, sự thống nhất của cán bộ, đảng viên, đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, khơi dậy tinh thần thi đua lao động, sáng tạo, tạo động lực và không khí phấn khởi trong thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.

5. Coi trọng công tác tư tưởng, dân vận trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; làm tốt công tác nắm bắt dư luận xã hội, tăng cường đối thoại với nhân dân; giải quyết dứt điểm các đề xuất, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân ngay từ cơ sở. Chủ động nắm bắt dư luận xã hội qua nhiều kênh thông tin, kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân và dư luận trong xã hội.

Nguồn: Dự thảo báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII







Nhóm PV





(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Dương cơ bản thực hiện tốt mục tiêu kép phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội