Một đứa trẻ bị đánh

29/12/2021 08:42

Khi một đứa trẻ bị đánh, người ta thường coi đó là chuyện riêng của gia đình, nên "đóng cửa bảo nhau".

Tôi không dám đọc hết thông tin về cô bé 8 tuổi mới bị người tình của cha đánh tới qua đời, trong chung cư cao cấp, giữa Sài Gòn.

Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 cho biết họ tiếp nhận trung bình 30.000 cuộc gọi mỗi tháng. Nhưng trong năm 2021, năm mà nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, trẻ hầu hết ở trong nhà với người thân, số cuộc gọi tăng tới 40.000 - 50.000 mỗi tháng.

Số liệu mới nhất của Bộ Công an cho biết năm 2020, có gần 2.000 vụ việc bạo hành trẻ bị phát hiện, xâm hại 2.008 trẻ em. Trong đó, 1.506 em bị xâm hại về tình dục. Đáng nói, 97% số vụ bị phát hiện, kẻ gây hại đều thân, quen với nạn nhân.

Ở xóm tôi tại Bạc Liêu, Tài, 14 tuổi, hay được nhắc đến với cụm từ "khổ từ trong bụng mẹ". Khi mang bầu nó, mẹ bị ba nó đánh đến nỗi phải sinh non. Cha nó chỉ lông bông cờ bạc, rượu chè. Mẹ Tài làm mướn bằng nghề vác thức ăn nuôi tôm cho bà con xóm vuông tôm. Những đợt mẹ nó không có việc, chòm xóm mỗi người xúc cho vài lon gạo để anh em nó có cơm chan với nước mắm. Tài lớn lên trong tiếng chửi và đánh đập của cha.

12 tuổi, người bố bắt Tài nghỉ học đi lựa ve chai. Không đem tiền về, có ngày nó ăn đòn nhừ tử. Năm ngoái, thấy Tài đi bộ giữa trưa nắng chang chang, tôi cho nó quá giang xe máy. Thằng bé nhỏ thó, lọt thỏm trong bộ đồ thùng thình ai cho, chân mang đôi dép tổ ong đã rách. Quai dép được vá bằng mấy sợi dây nylon, nước da và móng tay đều đen.

Ngồi sau xe, Tài kể, chiếc xe đạp duy nhất của gia đình đã bị ba nó bán và nướng vào trận đá gà. Hàng ngày, em đi bộ 4-5 km để tới vựa ve chai, ngồi trong đống giấy báo, chai hộp cả ngày để lựa ra và phân loại. Tiền công được vài chục ngàn. Tôi hỏi "lớn lên Tài muốn làm gì?". Nó bảo chỉ muốn có đủ tiền "dắt mẹ và em bỏ trốn". Nó mong ba đi đâu đó và không về nữa, với lại muốn đứa em 10 tuổi được đi học.

Chuyện thằng Tài bị đánh xóm tôi quen như cơm bữa, nó hay chạy trốn trong vườn chuối của ngoại tôi. Những lúc ấy, người trong xóm chặc lưỡi, lắc đầu. "Chiện nhà ta, xen vô ăn chửi rồi sao?", có người bảo; người khác nói: "Bênh nó hôm nay mai mốt sao trời?".

Ở quê tôi còn có những đứa trẻ khác bị bạo hành. Chúng không ít lần bị cho roi vọt, cho nghỉ học, bị sỉ nhục, thậm chí nghỉ ăn đơn giản với lý do "giáo dục con". Thằng Tí ở đầu xóm, nửa ngày đi học, nửa ngày ngồi coi sạp thịt heo cho má nó đi đánh bài. Hễ nó bị điểm kém sẽ quỳ gối đội tập vở trên đầu ngoài sân. Bé Thùy có ba mẹ ly hôn. Em ở với ba và vợ mới, ăn đòn như cơm bữa vì quét nhà chưa sạch, rửa chén còn dơ.

Luật Trẻ em đã được Quốc hội ban hành. Tại Việt Nam đang có đường dây nóng bảo vệ trẻ em 24/7: Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Nhưng theo điều tra xã hội học khảo sát gần 9.000 người được công bố tháng 4.2020, khoảng 10% người lớn trả lời "không biết có Luật Trẻ em"; gần 45% người lớn trả lời có nghe về luật bảo vệ trẻ nhưng không rõ nội dung.

Nhiều người gọi đến đường dây nóng nói trên hầu hết ở khu vực thành thị. Số cuộc gọi từ vùng sâu vùng xa và tỉnh lẻ chỉ chiếm 4%, nhóm trẻ dân tộc thiểu số chỉ liên quan 1,7% cuộc gọi.

Đáng chú ý, các cuộc gọi đến 111, theo công bố, khoảng một nửa từ trẻ em 11 đến 18 tuổi. Tỷ lệ người lớn gọi tới về vấn đề của trẻ em chỉ chiếm 5,5%; nhân viên tư vấn, giáo viên, công an, cán bộ, ban, ngành liên quan gọi đến khoảng 4,6%; cán bộ xã hội chỉ chiếm 1,1%.

Những con số quá nhỏ so với thực trạng trẻ em bị xâm hại. Tôi tự hỏi, nếu hàng xóm của cô bé 8 tuổi ở Saigon Pearl thay vì gọi bảo vệ chung cư (rồi bảo vệ cũng không làm gì) mà hành động trực tiếp giúp em, có lẽ chúng ta kịp cứu một đứa trẻ. Phải chăng vì thói quen cho rằng nên "đóng cửa bảo nhau" khiến nhiều người đang mặc định đánh trẻ là chuyện riêng của mỗi gia đình?

Xóm tôi, tới một ngày, quyết định giúp anh em Tài. Vài người đến báo việc nó bị cha thường xuyên bạo hành cho trưởng khóm. Cán bộ khóm, ấp đã đến nhà lập biên bản. Bà trưởng khóm cảnh cáo: "Ông còn lặp lại thì chúng tôi báo công an cho ngồi tù". Mỗi người hùn chút tiền và gạo giúp Tài mua chiếc xe đạp cũ đi làm. Tôi cũng vận động bạn bè được chút tiền đóng học phí cho em Tài đi học lại, dù thấp thỏm không biết thằng nhỏ có bị bắt thôi học giữa chừng không.

Tôi mới bớt lo khi các "vệ tinh bà tám" của xóm thường xuyên để mắt tới nhà Tài. Có biểu hiện em bị đánh, chúng tôi gọi công an phường và trưởng khóm. Xóm tôi cũng đang tìm cách giúp em đi học lại, dù không dễ. Tài và mẹ em bảo vui hơn vì biết mình không đơn độc.

Xã hội và luật pháp không thể mặc định trẻ em tự biết giúp mình. "Đóng cửa bảo nhau" không phải là giải pháp cho vấn nạn nhức nhối này. Thay vì phẫn nộ, mỗi người chúng ta phải hành động để ngăn chặn việc những đứa trẻ quanh mình trở thành nạn nhân tiếp theo. Nói như vậy không có nghĩa nhà làm luật, những cơ quan bảo vệ trẻ em tiếp tục ngồi yên vì đã có đủ luật và đường dây nóng.

Hai năm qua, chúng ta đã chống dịch bằng tình người, đã san sẻ từ mớ rau, lon gạo, đã lên tiếng gay gắt khi ai đó bị bất công. Nhưng, trẻ bị bạo hành có xu hướng gia tăng trong đại dịch, nó có được coi là một vấn nạn để luật pháp và cộng đồng thấy cần thực sự phải "chống"?

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một đứa trẻ bị đánh