Chẳng biết từ khi nào, việc cạnh tranh điểm số lại trở nên khốc liệt đến thế. Nó đang mang theo một "bầu trời áp lực" đến cho mỗi lớp học.
Ngày 5.9, các trường tổ chức lễ khai giảng đón chào năm học mới. Năm học chính thức được bắt đầu. Khi đó, cánh cổng của những ngôi trường sẽ chính thức mở ra chào đón học sinh.
Nhưng theo sau đó, cánh cổng của những "cuộc đua điểm số" cũng lại vô tình dần dần được mở ra. Chẳng biết từ khi nào, việc cạnh tranh điểm số lại trở nên khốc liệt đến thế. Nó vốn dĩ được sinh ra từ sự cố gắng, sự chăm chỉ, hoặc đơn thuần là sự sẻ chia giúp đỡ lẫn nhau trong học tập để giúp chúng ta cùng nhau đúc kết được những kinh nghiệm mới cho bản thân.
Nhưng theo thời gian, nó đang mang theo một "bầu trời áp lực" đến cho mỗi lớp học. Nó trở thành một "mục tiêu" của các bậc phụ huynh dành cho con em mình và bắt các em cũng phải đạt được cái mục tiêu ấy, khiến các em học cực kỳ "điên cuồng" và "hăng say", cũng chả thèm ra ngoài giao lưu gì với bạn bè đồng trang lứa.
Ngày qua ngày chỉ biết cắm mặt vào đống sách vở, chỉ biết học và chỉ với một mục tiêu chính là "điểm lớn hạng cao" với cái tâm trạng chả mấy vui vẻ hay hào hứng gì cả. Chính cái tư tưởng đó của một số bậc phụ huynh đã một phần nào khiến các em sợ đi học.
Phải chăng là do họ đã quá đề cao vấn đề học tập và đem nó ra để áp đặt mục tiêu cho các em?
Học tập đáng ra rất hữu ích. Nó giúp chúng ta có thêm kiến thức, mở rộng sự hiểu biết về những vấn đề mà ta muốn biết, ta chưa biết, giúp ta có tầm nhìn khái quát, sâu rộng hơn về mọi việc, phát triển năng khiếu và trí tuệ.
Còn những con điểm thì cũng chỉ là những con số. Đúng là nó được dùng để đánh giá việc học của ta, nhưng nó không thể nào phản ánh chính xác thực lực của ta.
Và thế là ý nghĩa và lợi ích của học tập đã bị bóp méo phần nào chỉ vì họ nghĩ "điểm cao là tất cả". Họ thật sự đã quá cực đoan khi suy nghĩ về việc học hành rồi.
Mỗi khi một năm học mới bắt đầu, thay vì nghe những lời nói động viên cố gắng thì lại phải nghe văng vẳng bên tai là những câu nói tiêu cực của cha mẹ mình về việc "phải đạt được thành tích giỏi" và "được nhiều điểm cao".
Từ đó, các em học sinh có thể sẽ suy nghĩ không mấy tích cực về việc học, và có thể các em còn sợ việc học hơn ấy.
Thế thì làm sao có được một năm học thật sự ý nghĩa?
Một năm học ý nghĩa không phải là một năm học mang đầy con điểm 10 nhưng kèm theo hàng tá áp lực nặng nề đè trên lưng.
Một năm học chỉ thật sự ý nghĩa khi bạn vừa có thể vui vẻ, thoải mái vừa có thể đúc kết được những kinh nghiệm trong suốt năm học vừa qua cho bản thân mình, biết được chúng ta đã học những gì, chúng ta đã học như thế nào trong cả một năm học.
Đó mới thật sự là ý nghĩa!
DƯƠNG HOÀNG NHI