Tiếng trống tan học vang lên, Thùy nhanh chóng thu dọn sách vở, đứng lên chuẩn bị ra về.
Tùng... Tùng... Tùng...
Tiếng trống tan học vang lên, Thùy nhanh chóng thu dọn sách vở, đứng lên chuẩn bị ra về. Vừa ra đến cửa, ba bốn cậu bạn to cao lộc ngộc cùng lớp nó đã đứng canh, thò chân ra ngáng lối đi. Thùy biết bọn chúng xấu tính nên cảnh giác, liếc xéo anh chàng cao to nhất rồi bỏ đi thật nhanh. Những tiếng cười hô hố vang lên. Thùy không chấp vì Thùy mới chuyển trường về đây để được ở gần bố, chăm sóc bố. Trước kia Thùy ở trên miền núi cùng ông bà ngoại vì bố mẹ ly hôn. Mẹ Thùy đi xuất khẩu lao động mấy năm nay chưa thể về thăm nhà. Nghĩ đến mẹ, Thùy vừa giận vừa thương. Cũng vì mưu sinh mà mẹ Thùy nỡ lòng xa gia đình, xa con gái.
Sau khi sinh Thùy, không chịu nổi cảnh sống nghèo khó cùng với người chồng bị tai nạn lao động, sức khỏe giảm sút, hỏng một bên mắt, tính tình cáu bẳn, khó chiều nên mẹ Thùy quyết định chia tay, dắt Thùy về quê ngoại tá túc một thời gian. Cuộc sống ở miền núi cũng nhọc nhằn nên mẹ Thùy gửi con cho ông bà ngoại, đi nước ngoài làm ăn mong đổi đời.
Sau khi bình tâm lại vì những biến cố, bố Thùy xin làm bảo vệ trông xe ở một cơ quan gần nhà. Mặc cảm vì là người tàn tật nên hằng ngày, bố chỉ biết làm việc, không tơ tưởng đến chuyện đi bước nữa. Thi thoảng bố vẫn gọi điện và viết thư mong được đón Thùy về nuôi. Thương bố, Thùy quyết định về xuôi, dù phải bắt đầu làm quen với môi trường mới, thầy cô và bạn bè mới rất nhiều bỡ ngỡ. Mấy tên con trai lộc ngộc trong lớp vẫn nghĩ Thùy là người dân tộc thiểu số nên chúng hay bắt nạt. Thùy tức lắm nhưng không thích gây sự. Sau kỳ thi giữa kỳ, chúng nó sẽ biết Thùy học siêu như thế nào. Lúc ấy chắc không đứa nào dám trêu Thùy nữa. Cứ chờ xem…
Trên quãng đường về nhà, Thùy im lặng bước đi. Tuy nó đã quen với những lời trêu trọc nhưng nó vốn rất nhạy cảm nên hay tủi thân. Nghĩ lại những lời nói vô tâm của mấy đứa bạn cùng lớp “não cá vàng”, Thùy khóc. Nước mắt chảy dài xuống má.
Thùy vẫn mang tâm trạng bực bội vì bị mấy tên con trai vô tâm trêu ghẹo. Nó đi vào nhà, nhìn ngó xung quanh, không thấy một bóng người. Bố đi làm chưa về. Đáng lẽ tầm này bố nó đã tan ca.
Sáu giờ tối...
Sáu giờ rưỡi...
Trời đã tối hẳn, ấy vậy mà Thùy vẫn chưa thấy bố về, cơm canh nó nấu đã nguội ngơ nguội ngắt. Sao bố về muộn vậy? Bố gặp chuyện gì rồi sao? Vô số câu hỏi hiện lên trong đầu nó. Nó bắt đầu lo lắng. Gọi điện, bố không bắt máy. Bố đi đâu vào giờ này cơ chứ. Mắt bố có được tinh tường như người khác đâu. Thùy sốt ruột quá.
Lập tức, Thùy chạy ra khỏi nhà, nó phải đi tìm bố. Vòng qua cơ quan, qua khắp nơi bố thường hay đến, cuối cùng nó cũng thấy được dáng cao gầy quen thuộc của bố. Bố đang đứng trước nhà ông Hải người thu mua đồng nát trong xóm. Bố đang nói gì đó, có vẻ như muốn nhờ vả hoặc xin điều gì. Tò mò, nó tiến đến gần hơn:
- Bác cân cho tôi đi. Hôm nay tan ca, tôi đi thu mua được ngần này. Thêm đồng rau đồng mắm bác ạ! Hôm nay sinh nhật con gái tôi, tôi muốn cho con bé một sự bất ngờ. Tôi sẽ mua bánh, sẽ mua quần áo mới cho con bé…
Sinh nhật? - Thùy giật mình. Phải rồi, hôm nay là sinh nhật nó mà... Vậy mà nó lại quên mất. Mấy năm rồi, nó chẳng được tổ chức sinh nhật. Ông bà ngoại có nhớ cũng chỉ nhắc thôi. Cơn giận dữ nhất thời lúc tan học làm nó quên béng mất. Nó nhìn bố, mắt đã cay xè, những giọt nước mắt bắt đầu rơi. Bố luôn nghĩ cho nó, quan tâm chăm sóc, lo lắng cho nó nhưng nó chưa làm được điều gì cho bố vui. Nó tự trách bản thân mình kém cỏi, vô tâm.
Cửa nhà ông Hải khép lại, bố nó dắt xe đạp ra về. Nó vội vã chạy đến, giọng hốt hoảng:
- Bố! Sao bố về muộn thế? Bố làm con lo quá!
Nghe thấy tiếng Thùy quen thuộc, bố nó mỉm cười tươi rói, để lộ khuôn mặt già nua với những vết chân chim sương gió: "Bố sẽ dẫn con tới tiệm bánh sinh nhật ngay bây giờ! Bố sẽ mua bánh sinh nhật cho con".
"Bố... bố...!" - Thùy ôm lấy cánh tay bố. Nó thủ thỉ: “Con không cần bánh sinh nhật, không cần quà, con chỉ cần bố thôi".
Bố cúi xuống nhìn Thùy, mắt ngân ngấn lệ:
- Con gái! Lên xe bố chở nào!
Thùy ngồi sau xe, bố đã chắn hết gió lạnh đầu đông nên nó có cảm giác ấm áp hơn bao giờ hết. "Ước gì bố mãi ở bên con bởi bố chính là món quà quý giá nhất đối với con, bố có biết không?” - Thùy thầm nghĩ trong lòng, rồi mỉm cười vòng tay ôm ngang lưng bố.
TRẦN THỊ MAI ANH
(Lớp 11G, Trường THPT Nam Sách)