Moldova chìm sâu vào bế tắc chính trị

12/06/2019 08:13

Sau thế bế tắc chính trị liên quan đến cuộc bầu cử Quốc hội Moldova diễn ra cuối tháng 2.2019, cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này càng trở nên nghiêm trọng hơn.


Moldova chìm sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị

Cuộc khủng hoảng khở phát khi ông Pavel Filip - người được Tòa án Hiến pháp Moldova chỉ định làm Tổng thống lâm thời, ký sắc lệnh giải tán Quốc hội và ấn định tổ chức bầu cử sớm vào ngày 6.9. Trong khi đó, Quốc hội Moldova coi chính phủ do ông Pavel Filip đứng đầu là "không hợp hiến".

Khủng hoảng chính trị nghiêm trọng

Moldova rơi vào khủng hoảng chính trị sau cuộc bầu cử Quốc hội tổ chức ngày 24.2 vừa qua nhằm chọn đường lối phát triển cho đất nước. Đây là lần đầu tiên Moldova bầu cử theo hình thức hỗn hợp - 51 nghị sĩ được bầu theo khu vực, 50 người bầu theo danh sách đảng phái. Tham gia tranh cử có 14 chính đảng và một liên minh. Nhưng thực chất đây là cuộc đua tranh giữa hai lực lượng gồm đảng Xã hội chủ nghĩa Moldova (PSRM) với đường lối ủng hộ quan hệ chặt chẽ với Nga và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), và đảng Dân chủ (DPM) cầm quyền cùng Liên minh đối lập cánh hữu ASUM ủng hộ gia nhập EU.

Tuy nhiên, đã không có chính đảng nào giành đa số ghế trong cơ quan lập pháp Moldova để thành lập chính phủ. Theo kết quả bầu cử, đảng PSRM giành được số phiếu cao nhất, tương đương 35 trong tổng số 101 ghế trong Quốc hội khóa mới, tiếp theo là đảng DPM cầm quyền thân phương Tây giành được 30 ghế, Liên minh đối lập cánh hữu ASUM với 26 ghế và đảng “Sor” 7 ghế, trong khi 3 ghế còn lại thuộc về các ứng cử viên độc lập. Kết quả này đã đẩy Moldova rơi vào bất ổn về chính trị cũng như làm dấy lên lo ngại tình trạng hỗn loạn xảy ra tại quốc gia nhỏ bé này.

Sau nhiều tháng thương lượng, hôm 8.6, đảng Xã hội chủ nghĩa Moldova (PSRM) với đường lối ủng hộ quan hệ chặt chẽ với Nga và Liên minh đối lập cánh hữu ASUM ủng hộ gia nhập EU đã nhất trí thành lập chính phủ liên minh và được Quốc hội Moldova thông qua. Động thái này được cho sẽ mở đường giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị, song đảng Dân chủ, lực lượng lớn thứ hai trong quốc hội, đã đề nghị Tòa án Hiến pháp đình chỉ chức vụ của Tổng thống Moldova Igor Dodon.

Theo Tòa án Hiến pháp Moldova, thỏa thuận liên minh chưa từng có giữa các lực lượng ủng hộ Nga và ủng hộ Liên minh châu Âu nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị xảy ra sau cuộc bầu cử quốc hội đã đi ngược lại với phán quyết của Tòa án Hiến pháp Moldova đưa ra hồi tháng 2. Tòa án Hiến pháp Moldova đã ra phán quyết giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử mới.

Sáng 9-6, Tòa án Hiến pháp đã đình chỉ chức vụ của Tổng thống Dodon theo đề nghị của đảng Dân chủ và chỉ định quyền Thủ tướng Moldova Pavel Filip làm Tổng thống lâm thời. Theo sau quyết định này, Quyền Thủ tướng Moldova Pavel Filip, người được chỉ định làm Tổng thống lâm thời, đã ký sắc lệnh giải tán quốc hội và ấn định tổ chức bầu cử sớm vào ngày 6.9 tới. Phát biểu với báo giới, ông Filip cho biết Tổng thống Dodon đã từ chối ký sắc lệnh giải tán quốc hội sau khi Tòa án Hiến pháp ngày 7.6 ra phán quyết giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử mới.

Tuy nhiên, Quốc hội Moldova đã thông qua tuyên bố coi chính phủ do ông Filip đứng đầu là "không hợp hiến", cho rằng đảng Dân chủ đã có hành động "tiếm quyền" và yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xem xét vấn đề này.

Cũng trong ngày 9-6, hàng ngàn người ủng hộ Đảng Dân chủ cầm quyền với sự tham gia của Tổng thống lâm thời Pavel Filip đã tổ chức tuần hành ở thủ đô Chisinau. Trong khi đó, Tổng thống Igor Dodon cũng đang cân nhắc kêu gọi những người ủng hộ tham gia vào các cuộc biểu tình ôn hòa.

Cộng đồng quốc tế kêu gọi kiềm chế

Trước những diễn biến căng thẳng tại Moldova, ngày 10.6, cộng đồng quốc tế đã kêu gọi các bên kiềm chế và đối thoại.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã kêu gọi các bên tại Moldova "bình tĩnh và kiềm chế". Thông cáo của NATO cho biết khối này tái khẳng định ủng hộ CH Moldova cải cách các tổ chức quốc phòng và an ninh, đồng thời bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia này. Tuyên bố của NATO kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị tại Moldova bình tĩnh và kiềm chế, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và tôn trọng luật pháp.

Trong khi đó, EU tuyên bố công nhận chính phủ liên minh được thành lập một ngày trước đó ở Moldova. Tuyên bố chung của Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini và Ủy viên phụ trách vấn đề mở rộng EU Johannes Hahn cho biết Brussels đánh giá cao các quyết định của Nghị viện nước Cộng hòa Moldova, nhất là quyết định liên quan đến việc thành lập chính phủ liên minh. Kêu gọi các bên bình tĩnh và kiềm chế, EU cho biết sẵn sàng hợp tác với chính phủ dân chủ hợp pháp trên cơ sở những cam kết chung trong đó ưu tiên các nội dung về cải cách, đặc biệt là những nguyên tắc cơ bản được ghi trong hiệp định liên kết với EU. Bên cạnh đó, EU cũng nhấn mạnh đối thoại giữa các đại diện được bầu một cách dân chủ là chìa khóa để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay Moldova.

Pháp, Đức, Ba Lan, Thụy Điển và Vương quốc Anh đã ra tuyên bố chung bày tỏ ủng hộ dành cho Quốc hội Moldova trong bối cảnh nước này đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.

Nội dung tuyên bố chung của các quốc gia nêu rõ Quốc hội Moldova là cơ quan đại diện cho người dân và là nơi "thích hợp nhất để thảo luận tất cả các vấn đề chính trị". Cùng thống nhất với lập trường chung của Liên minh châu Âu, tuyên bố chung của 5 nước Pháp, Đức, Ba Lan, Thụy Điển và Vương quốc Anh cũng kêu gọi các bên tại Moldova "bình tĩnh và kiềm chế" và có trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng hiến pháp này bằng các biện pháp hòa bình.

Về phía Nga, Bộ Ngoại giao Nga đã hoan nghênh việc thành lập một liên minh cầm quyền và chính phủ tại Moldova, đồng thời bày tỏ hy vọng tình hình tại thủ đô của Moldova sẽ nhanh chóng ổn định.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết Ukraina quan tâm tới một đất nước Moldova ổn định, dân chủ, và sẵn sàng hỗ trợ Moldova nếu cần thiết trong việc giải quyết các vấn đề hiện có. Bộ Ngoại giao Ukraine cũng kêu gọi các lực lượng chính trị hàng đầu của đất nước Moldova hành động trong khuôn khổ pháp lý và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại chính trị để tránh đối đầu bạo lực.

Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus kêu gọi tất cả các bên tại Moldova thống nhất một con đường thúc đẩy đối thoại chính trị.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Moldova chìm sâu vào bế tắc chính trị