Rác thải nhựa - Tiếng kêu từ môi trường. Bài 2: Thói quen chưa dễ bỏ

27/09/2019 18:07

Khi chưa có sản phẩm thay thế phù hợp, người tiêu dùng chưa dễ từ bỏ thói quen túi nilon và đồ nhựa.

>>Rác thải nhựa - Tiếng kêu từ môi trường. Bài 1: Nhìn từ các bãi rác và nhà máy xử lý


Sản phẩm từ nhựa vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn

Không sợ vỡ, dễ sử dụng, gọn nhẹ, tiết kiệm chi phí… là những ưu điểm làm cho túi nilon và đồ nhựa lên ngôi nhiều năm qua. Khi chưa có sản phẩm thay thế phù hợp, người tiêu dùng chưa dễ từ bỏ thói quen này.

Tiện dụng

Hôm nay, nhà bà Th. ở xã Hồng Quang (Thanh Miện) có giỗ, bà Th. nhận trách nhiệm đi chợ mua đồ. Nếu như trước kia, cái làn nhựa là vật không thể thiếu thì bây giờ bà Th. chẳng cần mang gì vì “ở chợ cái gì cũng có”.

Sau một vòng chợ, trên tay bà Th. đã nặng trĩu nào thịt lợn, thịt gà, rau thơm, chanh, ớt… Mỗi loại bà Th. để trong một túi nilon rồi tất cả lại được cho vào một túi nilon to hơn. Tính ra buổi đi chợ hôm nay bà Th. dùng tới 15 túi nilon to nhỏ các loại. “Hôm nay có việc nên phải dùng nhiều, mọi lần tôi chỉ dùng dăm cái là cùng”, bà Th. cho biết.

Khi tôi hỏi tại sao không dùng làn nhựa khi đi chợ, chị Vũ Thu Hà ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) cho biết đi làm về tiện đường nên rẽ vào chợ luôn. Làn nhựa thì không phải lúc nào cũng mang theo người.

Mà nếu dùng làn vẫn phải sử dụng túi nilon vì không thể để lẫn các loại thực phẩm với nhau được. “Mỗi lần đi chợ tôi phải dùng ít thì 3 - 4 túi, nhiều thì 5 - 7 túi nilon các loại. Người bán hàng chuẩn bị sẵn hết rồi nên không sử dụng túi nilon thấy bất tiện lắm”, chị Hà phân trần.

Cũng như nhiều bà nội trợ khác, chị Nguyễn Thị Hương ở phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) ngày hai buổi đi chợ mua thực phẩm phục vụ sinh hoạt gia đình. Mỗi ngày, gia đình chị Hương thải ra môi trường ít nhất từ 3 - 5 túi nilon đựng thực phẩm, rau, củ, quả.

Chị Hương cho biết: "Ngày trước mỗi lần đi chợ tôi thường mang làn để đựng. Bây giờ ra chợ mua cái gì đều đựng vào túi nilon hết. Túi lại được người bán hàng chuẩn bị sẵn, không mất tiền mua, dùng xong tiện tay cho vào thùng rác là xong nên thấy quen rồi, khó bỏ lắm".

Gần 10 năm kinh doanh các mặt hàng rau, củ, quả, chị Phạm Thị Loan, một tiểu thương tại chợ Đông Ngô Quyền (TP Hải Dương) cho rằng vì quá tiện lợi nên nhiều người có xu hướng lạm dụng túi nilon. Chẳng hạn một số loại rau có thể đựng chung vào một túi cho tiết kiệm nhưng nhiều người vẫn đòi đựng riêng từng loại.

Trung bình mỗi ngày sạp hàng của chị Loan sử dụng từ 100 - 200 túi nilon các kích cỡ để đựng thực phẩm bán cho khách. Trao đổi với chúng tôi, nhiều người bán hàng cũng nhận thức được tác hại của việc sử dụng bừa bãi túi nilon và đồ nhựa dùng một lần nhưng do chưa có sản phẩm thay thế phù hợp nên họ vẫn chọn dùng túi nilon và sản phẩm bằng nhựa.

“Chúng tôi sẵn sàng sử dụng các loại túi, đồ dùng thân thiện với môi trường nếu có sản phẩm thay thế phù hợp, giá cả chấp nhận được. Biết là không tốt cho môi trường nhưng hiện tại thì chưa có lựa chọn nào tốt và rẻ hơn túi nilon”, một người bán hàng thẳng thắn chia sẻ.

Thiếu sản phẩm thay thế

Anh H. chủ cửa hàng bán đồ nhựa tại phố Trương Mỹ (TP Hải Dương) cho biết: "Rất khó để thay thế hoàn toàn đồ nhựa dùng 1 lần trong cuộc sống hằng ngày. Mỗi tháng gia đình tôi cung cấp ra thị trường khoảng 1 tạ túi nilon; 5.000 cốc, nắp nhựa, hộp đựng cơm các loại...

Hiện giá một bịch 50 cốc nhựa loại rẻ, thân mềm chỉ 12.000 đồng, loại cốc cứng 22.000 đồng. Giá nắp cốc nhựa loại phẳng là 7.000 đồng/50 cái, thìa nhựa loại trung bình là 3.000 đồng/50 cái, túi nilon từ 50.000 - 150.000 đồng/kg...".

Theo anh H., do giá rẻ, bền, đẹp lại dễ sử dụng nên túi nilon và đồ nhựa vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Cũng theo anh H., gia đình anh đang chuyển dần sang bán các loại cốc, bát, hộp được làm bằng giấy để hướng người tiêu dùng đến các sản phẩm thân thiện với môi trường. Hiện cốc giấy loại từ 400 - 1.000 ml có giá 11.000 - 15.000 đồng/10 cốc. Do giá cao hơn đồ nhựa nên nhiều hộ kinh doanh vẫn chưa hào hứng khi sử dụng các sản phẩm làm từ giấy.

Mỗi năm, Chi nhánh kinh doanh nước tinh lọc (Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương) cung cấp ra thị trường khoảng 30.000 bình cỡ lớn (loại 19 lít) và 500.000 chai nước tinh lọc loại nhỏ. Thời điểm này, chủ trương thay thế chai nhựa sử dụng một lần của doanh nghiệp chưa thực hiện được. Theo ông Nguyễn Đức Hà, Giám đốc chi nhánh, nguyên nhân là phía đối tác của công ty vẫn chưa tìm được vật liệu thay thế phù hợp.

“Chúng tôi đã liên hệ với Công ty CP Nhựa Song Long và Tập đoàn An Phát Holdings để đặt hàng sản phẩm thay thế chai nhựa dùng một lần nhưng các doanh nghiệp này vẫn chưa đáp ứng được. Trước mắt, chi nhánh sẽ tăng sản phẩm bình nước loại lớn, giảm chai loại nhỏ để hạn chế phát sinh phế thải nhựa ra môi trường. Đến khi có vật liệu phù hợp, thân thiện với môi trường, chúng tôi sẽ sử dụng thay thế cho chai nhựa”, ông Hà cho biết.

Không thể phủ nhận tính ưu việt của túi nilon và các sản phẩm làm từ nhựa. Hiện nay, nhiều đồ dùng sinh hoạt làm từ nhựa như cốc, bát, thìa, dĩa, hộp đựng thức ăn… được bán tràn lan trên thị trường vẫn chưa được kiểm định chặt chẽ. Rất nhiều sản phẩm được làm từ nhựa kém chất lượng, thậm chí là từ rác thải y tế tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Người tiêu dùng chỉ thấy lợi ích trước mắt, không nhìn thấy hậu quả lâu dài nên vẫn vô tư sử dụng và xả thải bừa bãi ra môi trường.

ĐỖ QUYẾT - VỊ THỦY


Kỳ sau: Những mô hình cần nhân rộng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rác thải nhựa - Tiếng kêu từ môi trường. Bài 2: Thói quen chưa dễ bỏ