Doanh nghiệp tham gia kiên cố hóa mặt đê ở Kinh Môn

25/06/2020 16:28

Với sự vào cuộc của doanh nghiệp, một số mặt đê trên địa bàn thị xã Kinh Môn đã được kiên cố hóa to, rộng hơn, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, doanh nghiệp...


Mặt đê hữu sông Kinh Thầy trên địa bàn phường Phạm Thái được 5 doanh nghiệp và 1 hộ kinh doanh đóng góp để xây dựng


Trên địa bàn thị xã Kinh Môn có 4 con sông lớn là Kinh Môn, Kinh Thầy, Đá Vách và Hàn Mấu. Thị xã có hệ thống công trình đê điều khá lớn với tổng chiều dài trên 86 km, gồm gần 19 km vẫn là đê đất, trên 26 km đê được trải đá cộn, còn lại đã được bê tông hóa và trải nhựa mặt đê. Ngoài nhiệm vụ phòng chống lũ thượng nguồn, các công trình đê điều của thị xã còn chịu tác động trực tiếp của thủy triều. Do địa hình đồi núi đan xen, sông có nhiều chỗ gấp khúc, uốn lượn và bị phân nhánh nên dòng chảy có nhiều biến động, hình thành những bãi bồi, bãi lở. Nhiều đoạn do dòng chảy áp sát gây xói mòn bờ sông, chân kè, mái kè. Tỷ lệ mặt đê được kiên cố hóa chưa nhiều.

Ông Phùng Văn Điển, Phó Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Kinh Môn cho biết: "Nguồn vốn đầu tư xây dựng đê ở địa phương còn hạn chế. Năm 2019, thị xã dành 6 tỷ đồng, năm 2020 dành 10 tỷ đồng cho việc duy tu, bảo dưỡng các công trình đê. Trong khi đó, số km đê trên địa bàn thị xã rất lớn, nhiều đoạn mặt đê vẫn bằng đất. Mặc dù địa phương đã có kế hoạch đổ bê tông hoặc trải nhựa nhưng do chưa có kinh phí nên nhiều năm qua chưa làm được". Trước thực trạng đó, Hạt Quản lý đê Kinh Môn đã tuyên truyền, vận động một số doanh nghiệp (DN) có bến bãi, vị trí kinh doanh gần đê chủ động làm lại một số mặt đê. Chủ trương này đã được nhiều DN hưởng ứng.

Trước đây, 170 m đê từ km 36+053 đến km 36+223 thuộc đê hữu sông Kinh Thầy nằm trên địa bàn phường Phạm Thái chỉ rộng 4 m, mặt đê trải đá. Do lâu ngày không được duy tu nên mặt đê xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại của công nhân các DN cũng như việc vận tải hàng hóa. Sau khi được Hạt Quản lý đê Kinh Môn vận động, các Công ty TNHH: Thương mại và Dịch vụ khách sạn Trung Nam, một thành viên Phú Cường, Hoàng Phúc, Đầu tư và Dịch vụ Hà Hưng; Công ty CP Kinh doanh chế biến hàng xuất nhập khẩu Đà Nẵng và hộ kinh doanh của bà Nguyễn Thị Mỵ đã đóng góp gần 700 triệu đồng làm lại mặt đê đoạn này. Mặt đê được mở rộng thành 5,5 m, đổ bê tông dày 24 cm. Phía giáp tường chắn phía sông được đắp đất bổ sung tạo cơ rộng 2 m, cao 3,2 m, bố trí các cọc tiêu bê tông cốt thép sơn phản quang, lề phía đồng rộng 0,5 m đắp đất mái đê, trồng cỏ chống xói mòn. Đoạn đê được làm từ cuối năm 2019, đã phát huy được tác dụng.

Thường xuyên đi lại qua tuyến này, anh Phạm Văn Điền, công nhân làm việc tại hộ kinh doanh của bà Nguyễn Thị Mỵ cho biết: "Sau khi mặt đê làm xong, chúng tôi đi lại đỡ vất vả hơn nhiều. Vào những ngày trời mưa không phải đi trên mặt đê lầy lội, ngày nắng không bị bụi bặm như trước đây. Đường rộng rãi nên khi có xe tải trọng lớn đi qua chúng tôi cũng không lo tai nạn".

Sau khi đoạn mặt đê ở phường Phạm Thái hoàn thành, thấy được những lợi ích từ việc DN làm đê mang lại, tháng 5.2020, Hạt Quản lý đê Kinh Môn tiếp tục vận động các Công ty: TNHH một thành viên Tiến Hoàng, TNHH Việt Ngân, Minh Phúc làm lại mặt đê ở phường Minh Tân. 3 DN tự nguyện góp gần 2 tỷ đồng để làm 850 m mặt đê hữu sông Đá Vách, đoạn từ km7+115 đến km7+965. Mặt đê được đổ bê tông rộng từ 5-6 m, dày 24 cm, có điểm tránh cho các phương tiện đi trên đê. Tại một số đoạn còn đổ bê tông và vuốt dốc lên xuống hai bên đê.

Anh Lãnh Văn Hoan, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tiến Hoàng cho biết: "Chúng tôi nhận thấy việc làm mặt tuyến đê này không chỉ phục vụ bản thân DN mà còn tạo thuận lợi cho một số hộ dân có đất canh tác gần đây. Vì thế khi được vận động, chúng tôi đồng thuận ngay. Hiện chúng tôi đã làm được 50% công trình và sẽ làm phần còn lại sau mùa mưa bão năm nay".

Để tham gia làm các tuyến đê, ngoài đầu tư kinh phí, các DN đều phải xin phép Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được chấp thuận bằng văn bản. Trong quá trình thi công, Hạt Quản lý đê Kinh Môn cử người giám sát để bảo đảm chất lượng công trình. Sau khi hoàn thành, các tuyến đê đều được giao cho Hạt Quản lý đê quản lý.

Mặc dù số lượng km mặt đê làm được chưa nhiều nhưng việc các DN tham gia xây dựng, cải tạo mặt đê có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh nguồn ngân sách địa phương dành cho việc này còn hạn chế. 


THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp tham gia kiên cố hóa mặt đê ở Kinh Môn