Mối lo nở rộ phim giang hồ

24/09/2021 06:36

Những tranh luận trái chiều quanh việc phim giang hồ, xã hội đen có thể gây ảnh hưởng đến khán giả, kèm nỗi lo băng nhóm tội phạm gia tăng trở thành tâm điểm chú ý của công chúng.

Nhiều người trong giới cho rằng những nhận định "đổ lỗi" cho phim về tình hình xã hội là phiến diện. Nếu cần hạn chế các phim về giới giang hồ, xã hội đen lan tràn và tác động đến khán giả nhỏ tuổi thì nên tập trung các quy định pháp lý nhằm quản lý các phim giang hồ chiếu trên mạng hơn là đặt nỗi lo vào phim điện ảnh hay truyền hình vốn phải qua kiểm duyệt lâu nay.

Cái thiện cuối cùng vẫn thắng

Phim trên màn ảnh rộng hoặc trên truyền hình đều phải qua kiểm duyệt theo quy định mới được tiếp cận khán giả. Trong khi đó, việc kiểm soát phim chiếu mạng (còn gọi web-drama) hiện vẫn đang ở trạng thái thảo luận, góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Trong cuộc họp góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14.9, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh - Thiếu tướng Lê Tấn Tới đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung quy định cấm phim có tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật như: phạm tội nhưng không bị xử lý; phản ánh quá chân thực, chi tiết về sự tự chuyển biến, tự chuyển hóa, làm người xem nhận thức sai và có thể bắt chước, làm theo.

Ông lấy ví dụ rằng sau khi phim "Người phán xử" được chiếu trên kênh VTV1, tình hình các băng nhóm tội phạm, xã hội đen xảy ra rất nhiều. Trong khi đó, nhiều người trong giới cho rằng không phải như vậy, bởi phim thể loại tội phạm, hành động tương tự như "Người phán xử" đã xuất hiện từ lâu trong các nền điện ảnh khác của khu vực lẫn thế giới.

Phim “Thập Tam Muội” thành công và sau đó hàng loạt các phim chủ đề giang hồ khác nở rộ trên không gian mạng. (Ảnh chụp từ màn hình)

Phim truyền hình Việt cũng không thiếu thể loại về tội phạm, về thế giới ngầm trước đó và không có bất kỳ số liệu thống kê xã hội học nào chứng tỏ băng nhóm tội phạm tăng sau khi xem những phim này. Biên kịch Thanh Hương nhìn nhận phim phản ánh xã hội chứ không cổ xúy cho những cái xấu trong xã hội. Các phim giang hồ, xã hội đen, trinh thám của Việt Nam khi được chiếu trên màn ảnh rộng hoặc truyền hình luôn theo luật nhân - quả, lực lượng chức năng luôn ở vị thế chiến thắng so với tội phạm.

Theo nhà báo Cát Vũ, đúng là phim truyền hình có ảnh hưởng đến đời sống, nhất là những phim tạo được chú ý. Riêng phim về giới xã hội đen, tội phạm không phải hiếm hoi. Các phim này ở các nước trong khu vực khai thác rất nhiều và là thể loại phổ biến. Trong nội dung phim "Người phán xử", lực lượng chính nghĩa, cái thiện cuối cùng vẫn thắng.

Bên cạnh đó, số lượng các phim này trên điện ảnh lẫn truyền hình không nhiều, chẳng thể lấn át các thể loại khác. Gần đây, các phim chủ đề tình cảm xã hội, khai thác tình yêu, tình cảm vợ chồng, anh em... mới là chủ đề phủ sóng màn ảnh nhỏ.

Cần "siết" phim trên mạng

Sau thành công của phim chiếu mạng về chủ đề giang hồ, xã hội đen "Thập Tam Muội", hàng loạt các phim cùng thể loại "nở rộ" trên YouTube như "Thiếu niên ra giang hồ", "Vi cá tiền truyện", "Người trong giang hồ", "Trật tự mới", "Dẹp loạn giang hồ", "Thợ săn giang hồ", "Thập tứ cô nương", "Tương sinh tương khắc", "Bi Long đại ca"...

Do được phát trên mạng, không chịu sự kiểm duyệt nào ngoại trừ những quy định của phía YouTube, nên đa phần các phim này có nhiều cảnh đánh đấm, hút thuốc, lời thoại cởi mở đậm chất giang hồ hơn.

Thêm vào đó, các phim trên mạng rất khó để kiểm soát đối tượng khán giả thưởng thức, không giống phim điện ảnh hoặc truyền hình có phân loại độ tuổi, khung giờ phát sóng phù hợp và những cảnh báo rõ ràng bằng chữ ở mỗi đầu tập phim. Đây mới là mối lo ngại lớn, cần được siết chặt quản lý để giảm bớt những ảnh hưởng có thể có đối với khán giả trẻ.

Không chỉ người làm nghề, các nhà quản lý cũng nhận rõ điều này và quan tâm đến việc kiểm soát nhưng vẫn còn đang giai đoạn thảo luận để có phương hướng quản lý tốt nhất. Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đưa ra 2 phương án quản lý phim trên không gian mạng là hậu kiểm và tiền kiểm.

Hậu kiểm là nhà làm phim phải tự kiểm duyệt, tự phân loại và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu bị phát hiện vi phạm sau đó. Tiền kiểm là tác phẩm chỉ được phát sau khi có giấy phép phân loại từ cơ quan chức năng. Hai phương pháp này đều có ưu và nhược điểm riêng như hậu kiểm dễ để lọt các phim vi phạm, tạo sự thiếu công bằng khi so với việc tiền kiểm phim rạp và phim truyền hình.

Trong khi đó, tiền kiểm bảo đảm ngăn được phim độc hại, vi phạm nhưng cơ quan quản lý chưa đủ điều kiện, năng lực thực hiện bởi số lượng phim mạng rất lớn. Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phương án hậu kiểm được đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất. Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đề xuất phương án 3 là kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm hợp lý.

Theo TS Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam - xu hướng thế giới là phim trên mạng do các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến tự phân loại và dán nhãn, không phải chờ các cơ quan chức năng tiền kiểm. Toàn bộ đều theo hình thức "tự phân loại và hậu kiểm".

Việc quản lý, "siết" lại phim trên không gian mạng, giảm bớt các phim giang hồ mạng là cần thiết. Tuy nhiên, quản lý thế nào cho hiệu quả, hợp lý thì cần cơ quan quản lý sớm đưa luật cụ thể.

Theo Người lao động

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mối lo nở rộ phim giang hồ