Bức tranh nông nghiệp Hải Dương đang mang một sắc màu tươi mới. Ngoài nỗ lực của những người nông dân thì thành quả ấy còn có sự đóng góp không nhỏ của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm.
Hơn nửa thế kỷ gắn bó với Hải Dương, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm đã chọn tạo được nhiều giống cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao
Hưởng lợi đầu tiên
Năm 1968, khi Viện Cây lương thực và cây thực phẩm (nhiều bà con nông dân quen gọi là Viện cây, "Viện ông Của") được thành lập. Trụ sở Viện cây được đặt ngay tại huyện Gia Lộc và bác sĩ nông học Lương Định Của là Viện trưởng đầu tiên. Viện cây đã đem đến cho bà con nông dân địa phương nhiều giống mới, đồng ruộng như được hồi sinh. Mối duyên giữa nông dân và Viện cây bắt đầu từ ngày ấy. Từ khi có "Viện ông Của", những cánh đồng trước đây bàng bạc trong mùa đông rét mướt hay mênh mông trắng trời, trắng đất vào mùa mưa nay trở nên trù phú, tốt tươi.
“Những năm 70 của thế kỷ trước, cán bộ HTX Dịch vụ nông nghiệp mang giống lúa mới về cấy theo phương pháp giăng dây thẳng hàng. Dù chưa biết kết quả thế nào nhưng chỉ cần nghe nói là giống của "Viện ông Của" là bà con đã an tâm. Lần lượt các giống lúa chịu hạn trong vụ chiêm, chịu úng trong vụ mùa như Xuân số 2, CH3, U14... bén rễ trên các xứ đồng. Rồi dưa chuột, bí xanh, ngô… cũng phát triển thành cây chủ lực”, ông Nguyễn Xuân Hạ (sinh năm 1943, ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, Tứ Kỳ) nhớ lại.
Hơn nửa thế kỷ đứng chân trên địa bàn tỉnh nên cái duyên từ những ngày đầu giữa Viện cây và Hải Dương cho đến nay ngày thêm bền chặt. Với Viện cây, miền đất này vừa là nơi nghiên cứu lai tạo, vừa là nơi thí điểm các giống cây mới. Với Hải Dương, Viện cây là nơi khởi phát của những mô hình nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao. Nhờ lợi thế đó nên khi các địa phương khác mới tiếp cận thành tựu của Viện cây thì Hải Dương đã thu hái "quả ngọt" từ thành tựu ấy. Cái giòn ngọt của ổi Thanh Hà, tươi non của rau Gia Lộc hay bạt ngàn lúa hàng hóa ở Bình Giang đều có một phần thành quả nghiên cứu của Viện cây.
Theo thời gian, Viện cây đã khai thác tốt nguồn gien bản địa, nhập nội, áp dụng các phương pháp công nghệ sinh học, nuôi cấy mô tế bào... vào quá trình chọn giống và nhân giống. Với đội ngũ các nhà khoa học có bề dày kinh nghiệm và tâm huyết, nhiều giống cà chua, dưa chuột, dưa lê, dưa bở... đã được đưa vào sản xuất. Nhiều mô hình cà chua và dưa đạt doanh thu từ 180 - 200 triệu đồng/ha/vụ. Giống bí xanh số 1, số 2, Thiên thanh 5 đang phát triển trên quy mô lớn, có thể mang lại nguồn thu cho nông dân mỗi vụ từ 120 - 150 triệu đồng/ha.
Nói về những thành tựu mà các thế hệ cán bộ, nhân viên của viện đã dày công xây dựng trong suốt hơn 50năm qua, TS Nguyễn Trọng Khanh, Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm tự hào: “Hải Dương có nhiều thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp và Viện cây vinh dự góp phần giúp địa phương biến lợi thế đó thành hiệu quả kinh tế. Những công trình khoa học của viện đều được người dân đón nhận nồng nhiệt. Nông dân Hải Dương thực sự làm chủ trên cánh đồng. Họ luôn mạnh dạn áp dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ, thử nghiệm giống cây trồng mới. Vì thế, không có lý do gì khiến các nhà khoa học của viện thiếu động lực cống hiến, phục vụ người dân”.
Tạo dựng nền nông nghiệp thích ứng
Nhiều giống cây trồng của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm được nông dân Hải Dương ưu tiên lựa chọn
Không chỉ là nơi ươm mầm, đem lại sự tươi mới cho ruộng đồng, Viện cây còn đi đầu trong chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ sản xuất, làm gia tăng giá trị cây trồng.
Năm 2016, ông Nguyễn Văn Đàm ở thôn Cao Xá, xã Cao An (Cẩm Giàng) quyết định đầu tư nhà màng để trồng hoa và rau màu. Ông Đàm đến Viện cây để được hỗ trợ kỹ thuật. Theo ông, chỉ cần vào internet là sẽ có ngay các quy trình canh tác, song để làm bài bản thì ông luôn tin tưởng vào Viện cây. Bởi đây là đơn vị điển hình trong việc đón đầu các giải pháp canh tác cây trồng hữu hiệu. Đến đây, ông Đàm được các kỹ sư tư vấn lựa chọn các giống cây phù hợp và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nhằm tối ưu hóa năng suất, chất lượng cây trồng. "Cùng một diện tích nhưng lợi nhuận tôi thu về cao hơn trước từ 5 - 6 lần. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật tôi đã khắc phục được những bất lợi của thời tiết. Nếu làm chủ được khoa học, kỹ thuật thì người dân sẽ không lệ thuộc vào nhiều yếu tố như trước. Viện cây đã giúp chúng tôi tháo gỡ những vướng mắc này", ông Đàm nói.
Những thách thức trong sản xuất nông nghiệp hiện nay cũng là những trăn trở của các nhà khoa học ở Viện cây. "Quan điểm về trồng trọt sẽ phải thay đổi. Sẽ không còn là sản xuất cây trồng mà là nền công nghiệp sản xuất cây trồng. Để làm được điều này, cốt lõi vẫn là giống cây trồng. Trước mắt, viện sẽ tập trung nghiên cứu, chọn tạo các giống cây kháng sâu bệnh, kháng thời tiết, kháng mặn... nhằm thích nghi với mọi điều kiện sản xuất. Đồng thời ưu tiên phát triển các giống cây có thể tránh được những thiệt hại do thời tiết gây ra", TS Nguyễn Trọng Khanh cho biết thêm.
TIẾN HUY - NGUYỄN MƠ
Viện Cây lương thực và cây thực phẩm được thành lập ngày 30.11.1968. Hơn nửa thế kỷ qua, viện đã nghiên cứu, chọn tạo thành công 56 giống lúa, 19 giống cây có củ, 14 giống đậu đỗ, 14 giống quả... |