Giáo dục và đào tạo

Mở rộng dạy chương trình tích hợp nước ngoài ở Việt Nam

TB (theo VnExpress) 21/12/2024 12:21

Theo đề án của Chính phủ, cả nước phấn đấu thêm 5 tỉnh, thành phố có trường học dạy tích hợp chương trình nước ngoài, tức dạy một số môn bằng tiếng Anh.

giao-vien-nuoc-ngoai.jpg
Giờ thực hành môn khoa học theo chương trình tích hợp của học sinh TP Hồ Chí Minh

Nội dung trên được nêu trong Đề án Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030, do Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký ngày 19/12. Việc này góp phần từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, theo kết luận hôm 12/8 của Bộ Chính trị.

Hiện cả nước chỉ có vài địa phương có trường công dạy chương trình nước ngoài. Như TP Hồ Chí Minh có chương trình có tích hợp, Hà Nội gọi là hệ song bằng.

Điểm chung là ngoài chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam, học sinh được học một số môn như toán, khoa học bằng tiếng Anh, theo giáo trình quốc tế.

Trong khi TP Hồ Chí Minh mở rộng chương trình ở 160 trường công lập, Hà Nội đã dừng với hệ THCS, chỉ còn ở hai trường THPT.

Cũng nhằm từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai, đề án đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, ở tất cả cấp học và trình độ đào tạo; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong dạy và học ngoại ngữ.

Đề án đặt mục tiêu 100% học sinh phổ thông đạt trình độ ngoại ngữ theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông 2018 (bậc 3/6- tương đương B1); nâng cao năng lực ngoại ngữ, dạy các môn bằng tiếng nước ngoài cho giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý.

Với bậc đại học, mục tiêu đến năm 2030 là có hơn 20% chương trình liên kết đào tạo với các trường nước ngoài trong top 500 thế giới; tỷ lệ giảng viên Việt Nam đi và giảng viên nước ngoài đến giảng dạy, nghiên cứu, trao đổi học thuật hàng năm đạt 8% trên tổng số giảng viên. Hiện cả nước có khoảng 85.000 người giảng dạy ở bậc này.

Chính phủ cũng mong muốn thu hút thêm hai phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có uy tín ở nước ngoài mở tại Việt Nam, ngoài 5 trường đang hoạt động. Đó là Đại học RMIT Việt Nam, Anh quốc Việt Nam (BUV), Đại học Mỹ tại Việt Nam (AUV), Fulbright Việt Nam, Y khoa Tokyo Việt Nam.

Để mở phân hiệu tại Việt Nam, các đại học nước ngoài phải thuộc nhóm 500 trường hàng đầu thế giới ở các bảng xếp hạng uy tín trong ba năm gần nhất.

Cùng đó, Chính phủ khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học trong nước mở văn phòng đại diện ở nước ngoài.

TB (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở rộng dạy chương trình tích hợp nước ngoài ở Việt Nam