Năm học 2023-2024 là năm thứ 3 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THCS đối với môn học tích hợp. Tuy nhiên, có nhiều bất cập, khó khăn khiến các trường vẫn phải bố trí giáo viên dạy theo kiểu “bình mới, rượu cũ”.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, học sinh THCS không còn học các đơn môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, mà học 2 môn: khoa học tự nhiên, tích hợp 3 phân môn vật lý, hóa học, sinh học; môn lịch sử và địa lý, tích hợp 2 phân môn lịch sử và địa lý. 2 môn này được gọi là môn tích hợp.
Theo tinh thần đổi mới của chương trình, một giáo viên phải dạy được cả 2 hoặc 3 phân môn trên. Tuy nhiên, nhiều trường ở Hải Dương vẫn phải bố trí giáo viên dạy từng phân môn như trước đây do chưa có giáo viên được đào tạo dạy tích hợp liên môn.
Từ khi bắt đầu thực hiện theo chương trình mới ở lớp 6 đến nay, Trường THCS Quyết Thắng (TP Hải Dương) vẫn phải bố trí các giáo viên dạy đơn môn như cũ vì trường không có giáo viên được đào tạo dạy tích hợp.
Dù đã được tập huấn, bồi dưỡng nhưng để chuyển đổi dạy tích hợp không hề dễ dàng với cô giáo Nguyễn Thị Anh Thùy, giáo viên Trường THCS Quyết Thắng. Theo cô Thùy, bản thân được đào tạo chuyên sâu về địa lý nên khó có thể dạy được phân môn lịch sử. Do quá tải nên 2 giáo viên dạy phân môn lịch sử của trường sẽ dạy thêm phần kiến thức địa lý nhẹ nhàng của tài liệu giáo dục địa phương chứ không dạy được kiến thức chuyên sâu của phân môn địa lý. “Nếu cứ dạy thì vẫn được nhưng chỉ là chống cháy, kiến thức không thể chuyên sâu và đương nhiên chất lượng dạy học sẽ không hiệu quả. Nếu học sinh hỏi kiến thức khó, giáo viên sẽ lúng túng”, cô Thùy nói.
Tương tự, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đối với lớp 6, Trường THCS Nguyễn Trãi (Nam Sách) cũng đã bố trí giáo viên dạy theo từng chủ đề, đi từ thấp đến cao. Nội dung nào có sự trùng lặp sẽ tích hợp lại, vừa giảm tải kiến thức, vừa giúp học sinh có cái nhìn tổng thể. Nhưng thực tế triển khai đã phát sinh nhiều bất cập, khó khăn. Đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu bởi thầy cô chưa được đào tạo dạy cùng lúc 2 hoặc 3 phân môn. Năm học này, trường phải bố trí giáo viên dạy song song như cũ chứ không thể dạy theo mạch logic tuyến tính của chương trình mới.
Dù đã được tập huấn, bồi dưỡng, có chứng chỉ nhưng cô Vũ Thị Thùy Dương, giáo viên môn địa lý của Trường THCS Nguyễn Trãi cũng chưa thể dạy môn tích hợp. Chỉ có kiểm tra đánh giá học sinh là mới vì thi chung 1 đề nhưng giáo viên rất bị động. “Đúng ra phải đào tạo đội ngũ giáo viên chuẩn để dạy môn tích hợp trước rồi mới triển khai, nhưng chúng ta lại làm ngược lại. Cơ bản các trường vẫn phải dạy như cũ vì nhiều bất cập. Giáo viên chỉ tập huấn, bồi dưỡng trong thời gian ngắn thì khó tự tin để đứng lớp”, cô Dương bày tỏ.
Một giáo viên dạy môn vật lý ở Trường THCS Phạm Sư Mạnh (Kinh Môn) cũng cho biết nếu dạy thêm môn hóa học thì cũng chỉ dạy những kiến thức đơn giản chứ không thể dạy chuyên sâu. Đến lớp 8, lớp 9 thì kiến thức nặng hơn nên giáo viên không được đào tạo tích hợp sẽ không thể dạy được. Đặc biệt, giáo viên vật lý và sinh học không thể dạy được hóa học.
Vừa làm vừa gỡ
Đa số Hiệu trưởng các trường THCS cho rằng khi triển khai dạy học tích hợp, trường gặp khó khăn trong sắp xếp giáo viên cho phù hợp với thời khóa biểu, nhất là trong điều kiện còn thiếu giáo viên hiện nay. Nhiều trường vẫn đang vừa làm vừa chờ đợi nguồn giáo viên được đào tạo chuẩn.
Việc bố trí các giáo viên đơn môn dạy chung một môn tích hợp chỉ là giải pháp tình thế và không hiệu quả. Về lâu dài, nhất là ở những khối lớp học cao hơn, cần có những giáo viên được đào tạo bài bản, đạt chuẩn yêu cầu mới, chứ không thể theo kiểu “bình mới, rượu cũ”.
Vấn đề dạy và học các môn học tích hợp không chỉ được dư luận quan tâm mà ngay cả giáo viên cũng đang băn khoăn, bỡ ngỡ. Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường vừa làm vừa tháo gỡ khó khăn. Không chỉ tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên, nhiều buổi sinh hoạt chuyên môn theo cụm, liên trường, những tiết dạy minh họa các cấp đã được tổ chức nhằm kịp thời rút kinh nghiệm cho giáo viên và lắng nghe khó khăn, từ đó tháo gỡ ngay.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường linh hoạt bố trí giáo viên và xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với thực tiễn, kiên trì với mục tiêu đổi mới. Các trường phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp giữa chuyên môn được đào tạo của giáo viên với nội dung dạy học được phân công… Nguồn sinh viên được đào tạo dạy môn tích hợp của Trường Đại học Hải Dương ra trường trong những năm tới sẽ phần nào tháo gỡ khó khăn. Trước mắt, giáo viên buộc phải tự nâng cao năng lực, trang bị kiến thức tích hợp, liên môn bài bản và thay đổi phương pháp dạy học để đáp ứng yêu cầu.
NAM PHƯƠNG