Giáo dục

Thêm một loại chứng chỉ cho người nước ngoài dạy tiếng Anh ở Việt Nam

T.H (theo VnExpress) 24/01/2024 11:30

Bộ Giáo dục và Đào tạo lần đầu ban hành chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ cho người nước ngoài dạy tiếng Anh ở các trung tâm.

Ngày 23/1, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết việc này nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam, gồm cả chất lượng dạy và học tiếng Anh tại trung tâm ngoại ngữ, tin học.

Nhóm giáo viên ở trung tâm ngoại ngữ phải tham gia chương trình này, gồm: người bản ngữ (ngôn ngữ Anh), người nước ngoài có bằng cao đẳng tiếng Anh hoặc có bằng cao đẳng cùng chứng chỉ năng lực ngoại ngữ từ bậc 5 (C1) trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.

Chương trình gồm 11 chuyên đề, tổng cộng 160 tiết, mỗi tiết 45 phút. Trong đó, nội dung cốt lõi là kiến thức cơ bản về bối cảnh và văn hóa; hệ thống giáo dục Việt Nam; một số quy định về dạy và học tại Việt Nam.

Ngoài ra, người học được cung cấp phương pháp giảng dạy kiến thức ngôn ngữ Anh; các kỹ năng nghe, nói, đọc viết; phương pháp dạy cho trẻ em, thanh - thiếu niên Việt Nam; phương pháp về kiểm tra, đánh giá; ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác, phát triển học liệu trong dạy học tiếng Anh.

Tuy nhiên, sau khi chương trình được ban hành, một số trung tâm dạy tiếng Anh có giáo viên nước ngoài băn khoăn không biết giáo viên của mình có thuộc diện bắt buộc học và lấy chứng chỉ không. Hay nếu người dạy đã có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh quốc tế như TESOL thì thế nào. Những nội dung này không được nêu trong văn bản của Bộ.

Theo ông Đức, chương trình của Bộ hướng tới những người có năng lực về ngôn ngữ tiếng Anh song lại chưa có năng lực sư phạm phù hợp.

"Như vậy, người nước ngoài có năng lực ngoại ngữ theo quy định và có chứng chỉ đào tạo dạy tiếng Anh được công nhận thì không bắt buộc phải học chương trình này", đại diện Cục Nhà giáo chia sẻ.

Một số chứng chỉ đào tạo dạy tiếng Anh được công nhận ở Việt Nam hiện nay có thể kể đến như TESOL, TEFL, CELTA, theo Cục Hợp tác quốc tế của Bộ.

Học viên học cùng giáo viên người nước ngoài tại Trung tâm Anh ngữ Res. Ảnh: Anh ngữ Res

Học sinh học cùng giáo viên người nước ngoài tại Trung tâm Anh ngữ Res

Về việc giảng dạy và cấp chứng chỉ, Bộ cho phép các trường đào tạo giáo viên chủ động biên soạn tài liệu và thực hiện, có thể theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp. Cơ sở vật chất, giảng viên biên soạn, thẩm định tài liệu và tham gia giảng dạy phải đáp ứng một số điều kiện và báo cáo về Bộ để cơ quan này theo dõi, kiểm tra, đánh giá.

Một số trường đã thông báo tuyển sinh chương trình đào tạo này. Chẳng hạn, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế chiêu sinh với chi phí 17,9 đến 19,9 triệu đồng.

Một thống kê năm 2019 cho thấy cả nước có gần 4.000 trung tâm ngoại ngữ, tin học, tập trung nhiều ở các thành phố lớn, riêng Hà Nội có gần 750 trung tâm. Nhiều trung tâm quảng cáo "giáo viên 100% nước ngoài".

Theo quy định, người nước ngoài được cấp giấy phép lao động để giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam nếu có bằng sư phạm giảng dạy phù hợp hoặc bằng ngôn ngữ/bằng chuyên ngành khác cùng với chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh phù hợp như TESOL, TEFL, CELTA, DELTA...

Tuy nhiên, nhiều người nước ngoài không có chứng chỉ này vẫn được một số trung tâm ngoại ngữ, tin học thuê giảng dạy theo giờ bởi nhu cầu "học với người bản ngữ", gây lo ngại về chất lượng.

T.H (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thêm một loại chứng chỉ cho người nước ngoài dạy tiếng Anh ở Việt Nam