Minh bạch kinh tế số từ việc nhỏ

27/12/2020 08:17

Người mua hàng trực tuyến tại các sàn thương mại điện tử đang phải gánh nhiều rủi ro do phần lớn các sàn này không cho phép đồng kiểm khi nhận hàng

2020 được coi là Năm Chuyển đổi số quốc gia. Sự chuyển đổi số quốc gia gồm 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Là 1 trong 20 nước có tỷ lệ người dân sử dụng internet nhiều nhất thế giới, nền kinh tế số của chúng ta đang phát triển mạnh mẽ với sự tham gia trực tiếp của người tiêu dùng ở mảng thương mại điện tử (TMĐT). Dù vậy, lĩnh vực mua bán hàng trực tuyến lại đang có nhiều cạm bẫy làm cho người tiêu dùng có thể bị lừa mà không được giải quyết thấu đáo.

Cùng với sự phát triển của hạ tầng viễn thông và sự tác động của dịch Covid-19, số lượng người dùng mới các dịch vụ số của Việt Nam trong năm qua đã tăng trưởng lên tới 41%, cao nhất trong khu vực. Trong tổng doanh thu của nền kinh tế internet nước ta năm 2020, TMĐT chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt khoảng 7 tỷ USD. Các đợt giãn cách xã hội cũng như nỗi lo ngại tới nơi tập trung đông người làm thói quen mua sắm trực tuyến phát triển hơn bao giờ hết. Các sàn TMĐT cũng tranh thủ thời gian này thu hút người dùng bằng nhiều đợt khuyến mãi liên tiếp. Như trong đợt khuyến mãi gần nhất ngày 12.12 vừa qua, doanh số của một số sàn tăng gấp 10 lần ngày thường, có nhà bán lẻ bán được tới 13 tỷ đồng tiền hàng chỉ trong ngày này.

Song song với sự phát triển của các kênh bán hàng trực tuyến là những vụ lừa đảo, gian dối đến từ cả người bán hàng lẫn người vận chuyển hàng hóa. Nhiều người mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không giống như người bán quảng cáo. Gần đây có những vụ hàng hóa có giá trị cao bị đánh tráo như khách hàng mua điện thoại iPhone nhưng nhận được hộp bút màu, cục gạch, mua yến thì nhận được đôi giày cũ... Đối với những vụ đánh tráo hàng hóa có giá trị cao, các bên đều nhận trách nhiệm đền bù nhưng vẫn không xác định được lỗi thực sự thuộc về ai. Khi lỗ hổng vẫn còn đó, chưa được tìm ra để khắc phục thì nguy cơ người tiêu dùng bị lừa vẫn còn hiển hiện. Đối với những sản phẩm có giá trị thấp hơn bị đánh tráo, giao hàng không đúng, nhiều người tiêu dùng đành ngậm ngùi ôm cục tức chứ không khiếu nại, đổi trả vì thủ tục khá phức tạp và chưa chắc được người bán chấp nhận.

Người mua hàng trực tuyến tại các sàn TMĐT đang phải gánh nhiều rủi ro do phần lớn các sàn này không cho phép đồng kiểm khi nhận hàng (tức là người mua được kiểm tra hàng cùng người vận chuyển, nếu thấy không đúng hàng mua thì được quyền trả lại ngay). Khi không đồng kiểm, người mua nhận hàng là giao dịch hoàn tất, nếu muốn khiếu nại thì người mua chỉ khiếu nại được với người bán và không có ai làm chứng cho việc họ nhận được hàng hóa không đúng.

Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn, cảnh báo người tiêu dùng cảnh giác, lựa chọn kỹ càng người bán hàng có uy tín, khi mua hàng, nhất là hàng hóa có giá trị lớn thì nên chụp ảnh, quay video quá trình mở hàng làm cơ sở khiếu nại nếu nhận được hàng không đúng. Bên cạnh đó, cần có thêm các quy định bảo vệ người tiêu dùng như bắt buộc các sàn TMĐT, những người bán hàng phải cho người mua đồng kiểm. Khi xảy ra các vụ lừa đảo, gian dối, ngoài việc đền bù cho người mua hàng, cần có chế tài xử phạt các bên liên quan và họ có trách nhiệm phải tìm ra nguyên nhân để khắc phục những bất cập trong quá trình đóng gói, vận chuyển và giao nhận hàng hóa. Minh bạch hóa từ các hoạt động TMĐT nhỏ như mua bán lẻ hàng hóa trực tuyến trên các sàn TMĐT sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế số một cách lành mạnh và vững chắc.          

THÁI HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch kinh tế số từ việc nhỏ