Bộ Giáo dục và Ðào tạo vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành.
Thay đổi đáng chú ý nhất là việc mở rộng đối tượng không phải đóng học phí tới học sinh cấp THCS các trường công lập. Ðây là một thay đổi đáng mừng đối với người học, cũng như thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục ngày một tốt hơn ở các cấp học cao hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng lo ngại về việc bố trí nguồn lực cho giáo dục, nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương còn khó khăn.
Việc miễn học phí đến cấp THCS sẽ đỡ công việc theo dõi, thu tiền học phí cho các nhà trường, các bậc phụ huynh đỡ được một khoản đóng góp. Nhưng để bảo đảm cho hoạt động của các nhà trường, ngân sách sẽ phải gánh thêm một khoản chi không nhỏ. Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, bên cạnh bậc tiểu học, nếu miễn học phí thêm cho trẻ mầm non 5 tuổi thì ngân sách chi cho cả nước sẽ cần khoảng 2.000 tỷ đồng, nếu miễn thêm THCS thì sẽ tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm học. Theo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số 86/2015/NÐ-CP ngày2.10.2015 của Chính phủ về thu, quản lý học phí từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021, để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, hỗ trợ 50% đối với địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương dưới50%; các địa phương còn lại tự bảo đảm kinh phí. Như vậy, khi đối tượng được miễn học phí tăng lên thì cả ngân sách Trung ương cũng như các địa phương đều sẽ phải gánh thêm phần này. Năm 2017 là năm đầu tiên Trung ương giao cho Hải Dương tự cân đối thu - chi và điều tiết 2% về ngân sách Trung ương nên tỉnh sẽ phải tự bù 50% phần học phí của cấp THCS nếu chính sách này được thông qua.
Miễn học phí cho học sinh THCS cũng nảy sinh nhiều nỗi lo về việc đóng góp cho học tập không giảm mà có thể lại tăng. Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy tiểu học là bậc học duy nhất được miễn học phí hoàn toàn cho tất cả học sinh nhưng lại là bậc học bị phụ huynh kêu than nhiều nhất về việc đóng góp. Tại tỉnh ta, những trường học bị phụ huynh phản ứng về việc thu góp tiền không hợp lý đa phần là các trường tiểu học. Ðể nghịch lý này không xảy ra đối với cấp THCS nếu chính sách miễn học phí cho cấp học này được thông qua, ngành giáo dục cũng như các địa phương cần có sự chuẩn bị thật sự kỹ càng về cả nguồn lực chi cho giáo dục cũng như cơ chế giám sát việc thu chi trong các trường. Nếu không có sự giám sát tốt, không có đủ ngân sách duy trì hoạt động cho các trường thì sẽ dễ xảy ra tình trạng lạm thu. Khi đó, việc miễn học phí sẽ không còn ý nghĩa.
Việc miễn học phí đối với cấp THCS là giải pháp nhằm từng bước thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã đề ra là: “Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, triển khai giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020”. Ðể phát huy ý nghĩa và giá trị nhân văn của giải pháp này, cần có sự chuẩn bị về nguồn lực đầu tư thường xuyên cho giáo dục, bù vào phần học phí được miễn. Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần có nhiều giải pháp quyết liệt hơn để kiểm soát tình trạng lạm thu tại các nhà trường. UBND cấp tỉnh, huyện cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục, người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm quy định về thu góp.
LAM ANH