Miễn đóng bảo hiểm tai nạn lao động, tai nạn nghề nghiệp: Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

24/12/2021 14:36

Từ ngày 1.7.2021-30.6.2022, doanh nghiệp được miễn đóng tiền vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đây là chính sách nhân văn nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.


Người lao động cần nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động

Theo điều 2 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 thì người sử dụng lao động được giảm mức đóng bằng 0% (trước đây phải đóng 0,5% hoặc 0,3%) quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ ngày 1.7.2021 đến hết ngày 30.6.2022). Đơn vị, doanh nghiệp mới thành lập từ sau ngày 1.7.2021 thuộc đối tượng thì cũng được giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

Theo rà soát của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, ước tính trong 12 tháng (từ ngày 1.7.2021 đến 30.6.2022) sẽ có 6.586 người sử dụng lao động và 336.150 lao động được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền gần 106 tỷ đồng.

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Công ty CP May Suntekko ở TP Hải Dương đã gặp không ít khó khăn do dịch Covid-19. Bà Nguyễn Thị Thu Thuỳ, đại diện Công ty CP May Suntekko cho biết rất vui vì từ ngày 1.7.2021-30.6.2022 doanh nghiệp sẽ không phải đóng bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. "Đây là chính sách rất nhân văn, chia sẻ kịp thời với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này. Số tiền không phải đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp công ty sẽ trích ra để hỗ trợ người lao động và phục vụ công tác phòng chống dịch", bà Thuỷ nói.

Theo quy định, trong khoảng 1 năm doanh nghiệp không phải đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp nhưng người lao động vẫn được tính là đang tham gia và được hưởng đầy đủ chính sách chi trả từ quỹ này. 

Anh Lê Đức Bình, Công ty CP May Suntekko cho biết: "Chính sách này rất ý nghĩa, không chỉ chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp mà còn chia sẻ rủi ro với những lao động không may mắn khi bị TNLĐ, đồng thời giúp người lao động yên tâm sản xuất".

Ngoài việc khẩn trương triển khai chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ thì Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội tỉnh cũng tích cực tuyên truyền chính sách này tới doanh nghiệp và người lao động. 

Trong năm 2021, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức 4 cuộc tuyên truyền về bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho gần 300 chủ sử dụng lao động, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp. Qua đó giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trang bị kiến thức cho chủ doanh nghiệp và người lao động về an toàn, vệ sinh lao động.

Theo đại diện một số doanh nghiệp, chính sách này là động lực để họ có trách nhiệm hơn trong tuyên truyền, đầu tư kinh phí nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Hỗ trợ doanh nghiệp cũng là gián tiếp hỗ trợ người lao động.

Có thể nói Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ là điểm sáng cho thấy sự quan tâm kịp thời, những nỗ lực không ngừng của Nhà nước nhằm chung tay khắc phục hậu quả và khó khăn do dịch Covid-19. Trong giai đoạn khó khăn càng cho thấy lợi ích của việc tham gia bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

THẾ ANH

(0) Bình luận
Miễn đóng bảo hiểm tai nạn lao động, tai nạn nghề nghiệp: Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp