Khi con gái đầu lòng được 3 tuổi, vợ chồng Hân dự tính sinh con thứ hai vì bé Bông đã mồm ăn chân chạy, cũng bớt ốm đau sài đẹn.
Dù không nói ra miệng nhưng Hân biết chồng cô rất thích có một thằng “cúng cơm”. Bản thân Hân cũng ao ước có nếp có tẻ. Bố mẹ chồng thì giao nhiệm vụ thẳng thắn vì tư tưởng gia trưởng đã ăn vào máu của ông bà.
Bố chồng Hân nói như đinh đóng cột: “Anh chị làm thế nào thì làm, tôi phải có thằng cháu đích tôn thì mới yên lòng được”. Mẹ chồng thủ thỉ vào tai cô: “Mẹ nghe nói bây giờ công nghệ siêu âm ngày rụng trứng hiện đại lắm, có thể sinh con theo ý muốn”. Hân chẳng ngại ngần bày tỏ quan điểm của mình: “Con cái là lộc trời cho, chọn làm sao được hả mẹ”. Mẹ chồng vẫn khăng khăng: “Mẹ đã bảo được là được. Mẹ nghe người ta đồn có một ông lang bắt mạch, bốc thuốc đẻ con trai giỏi lắm. Để mẹ dẫn con đi”. Hân giãy nảy lên: “Con không tin mấy ông lang băm ấy đâu”. Mẹ chồng cô vùng vằng giận dỗi, nói thẳng toẹt, không cần giữ ý: “Tùy chị! Nhưng không đẻ con trai là không được với tôi đâu. Nhà này chỉ có mình chồng chị, không để tuyệt tự được”.
Hân nuốt cục tức vào lòng. Cô không lường trước được sự việc lại căng như thế. Ở thời đại nào rồi mà bố mẹ chồng cô vẫn có thái độ trọng nam khinh nữ như vậy. Dù ấm ức lắm cô cũng chỉ dám thẽ thọt, chất vấn chồng: “Bố mẹ lạc hậu quá. Nếu em lại đẻ con gái thì sao? Anh bỏ em đi lấy vợ khác à?”. Chồng cô bật cười: “Vớ vẩn, để anh góp ý với mẹ. Nhưng mình cứ thử làm theo lời mẹ xem có được không?”. Nghe chồng nói vậy, cứ như vừa xoa vừa đấm khiến Hân chưng hửng. Sự nhạy cảm ở người phụ nữ khiến cô nhận ra khát khao của chồng.
Hân quyết định nghiên cứu các loại sách nói về sinh con theo ý muốn để chiều theo nguyện vọng của chồng, của bố mẹ chồng. Thực hiện chế độ ăn kiêng cho cả vợ lẫn chồng chưa đủ mà tháng nào cũng có năm, bảy lần vợ chồng cô chở nhau đến phòng khám tư để siêu âm trứng rụng, chọn lựa thời điểm tốt nhất để đậu thai con trai. Vài tháng đầu Hân còn hào hứng, kiên trì làm theo hướng dẫn của sách, của bác sĩ nhưng kết quả vẫn chưa có gì. Dần dà, Hân cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng. Nhiều món thèm ăn mà không dám ăn. Những lúc có hứng gần chồng thì lại không được phép. Mỗi lần đến cơ quan, mặt cô cứ đờ đẫn vì lo lắng, vì nghĩ ngợi khiến đồng nghiệp quan tâm, gặng hỏi. Cô thật thà chia sẻ: “Vợ chồng em đang có kế hoạch sinh con trai, em mệt mỏi quá, gần năm trời rồi, tốn kém công sức, tiền bạc, thời gian mà vẫn chưa đậu thai. Vợ chồng lại hay lục đục vì những việc cỏn con. Dạo này ông xã em hay cáu bẳn vô cớ lắm”. Mấy chị trung niên ngạc nhiên, thi nhau lên lớp cho Hân một hồi. Nào là: “Giời ạ! Ai cũng muốn đẻ con trai bằng được thì xã hội mất cân bằng giới tính, nguy hiểm lắm. Mình có ăn có học thì phải suy nghĩ thoáng hơn một chút chứ em”. Rồi thì: “Người tính không bằng trời tính em ạ! Cứ để việc ấy diễn ra một cách tự nhiên, em căng thẳng, áp lực, buồn phiền như thế thì đậu thai làm sao được. Thậm chí còn sinh ra bệnh tật ấy chứ. Nghe chị, cứ thả thoải mái đi. Chồng em sẽ hết cáu bẳn ngay”...
Được các chị cùng cơ quan khuyên nhủ và truyền đạt một số kinh nghiệm, Hân không đi siêu âm trứng rụng nữa. Cô quyết định “thả”, không căn ke ngày tháng cho đau đầu, mất hứng. Quả nhiên, chồng Hân cũng thấy thoải mái hơn, tính tình dịu hẳn, không còn gắt gỏng với cô nữa. Vậy mà, một năm rồi hai năm, Hân càng mong thì càng mất hút. Nghi trong người có gì đó bất thường vì dạo này bụng dưới hay đau râm ran, cô quyết đi khám tổng thể ở bệnh viện phụ sản trung ương, phát hiện mình bị u nang buồng trứng. Bác sĩ chỉ định phải mổ sớm vì để lâu thì khối u sẽ phát triển càng ngày càng to, ảnh hưởng đến việc sinh nở, thậm chí gây vô sinh thứ phát. Thế là kế hoạch sinh thêm con bị hoãn lại cho đến khi sức khỏe của Hân hồi phục.
Nhìn Hân nằm ở phòng hậu phẫu, nước da xanh xao, chồng cô ngồi cạnh, nắm tay vợ, động viên: “Em đừng lo lắng! Anh không quan trọng chuyện con trai con gái đâu. Con gái mà đáng yêu như bé Bông là anh hạnh phúc lắm rồi”. Mẹ chồng cô mang cháo về cho con dâu. Nghe con trai nói thế, bà đồng tình: “Phải đấy! Con ngồi dậy ăn tí cháo cho lại sức. Bác sĩ bảo may là u lành, chứng tỏ phúc nhà mình bằng cái đình. Thôi! Con nào cũng là con. Bố mẹ cứ có thêm cháu để bế là mãn nguyện rồi”. Hân mỉm cười mà nước mắt ứa ra, lâu lắm rồi cô mới cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm như vậy.
NAM HỒNG