Thời gian này, cuộc sống của nhiều gia đình không chỉ bị đảo lộn mà còn khá mệt mỏi vì phải trông giữ trẻ được nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19.
Vợ chồng ông Đào Huy Tuấn ở thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) trông 4 cháu giúp các con
Từ hơn 1 tháng nay, gia đình bà T.T.H., ở phường Phú Thứ (Kinh Môn) trở nên náo nhiệt hơn khi vợ chồng ông bà có nhiệm vụ trông giữ các cháu nội, ngoại. Hằng ngày, nhà bà thường có từ 6 - 8 đứa cháu ở nhiều lứa tuổi. Cháu lớn nhất học lớp 6, 1 cháu học lớp 3, 1 cháu học lớp 1, còn lại từ hơn 1 - 5 tuổi. Các con trai, dâu, rể của bà làm ở công ty, buôn bán nên từ sáng sớm đưa các cháu đến rồi tối mới đón về. Các cháu còn nhỏ nên rất nghịch.
"Nhà tôi lúc nào cũng ồn ào, ầm ĩ như ong vỡ tổ. Chúng hết nô nghịch lại quay sang tròng ghẹo, cãi nhau, thậm chí còn đánh nhau tranh giành đồ chơi. Rất may, từ tháng 2 chồng tôi được nghỉ hưu nên có thêm người chăm lo cho bọn trẻ chứ chỉ có một mình, tôi không biết xoay xở thế nào", bà T.T.H. nói.
Đối với gia đình có bố mẹ hoặc ông bà khỏe mạnh còn đỡ mệt nhưng đối với những người tuổi cao sức yếu trông cháu là việc không đơn giản. Ông N.S.H. ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) chia sẻ: "Hiện nay, vợ chồng tôi phải trông 1 cháu nội bị tăng động. Tôi làm theo ca, cách 1 ngày lại được nghỉ 1 ngày. Vợ tôi tuy mới ngoài 60 tuổi nhưng sức khỏe yếu nên những hôm tôi không ở nhà phải trông cháu rất vất vả. Cháu chạy nhảy lung tung nên nhiều khi vợ chồng tôi không theo kịp".
Cùng với đó, người trông giữ trẻ cũng chịu áp lực rất lớn để bảo đảm an toàn cho con cháu. Nhiều gia đình ở nơi đô thị thì tiếp giáp với đường giao thông, còn ở nông thôn là ao, nếu không trông giữ cẩn thận tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Không chỉ vất vả trông giữ, việc lo cho trẻ ăn uống cũng khiến các phụ huynh đau đầu. Con cháu đông và mỗi đứa có thói quen ăn uống khác nhau, khiến phụ huynh vất vả khi "chiều" theo ý trẻ.
Ông Đào Huy Tuấn ở thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) cho biết, các con ông người thì đi xuất khẩu lao động, người làm ở doanh nghiệp. Hiện vợ chồng ông phải trông 4 cháu nội, ngoại. Đứa lớn nhất năm nay học lớp 2, sau đó đến lớp 1 và 2 cháu mẫu giáo. Ngoài ra, hằng ngày có 2 cháu là con của 2 người em ở gần nhà cũng đến chơi. Để bảo đảm an toàn, ông Tuấn phải thuê thợ dựng lưới sắt quây xung quanh ao trước cửa nhà và trên tầng 2 cao quá đầu người, tránh các cháu mải nô nghịch có thể xảy ra tai nạn. Hằng ngày, ông cho các cháu đi dạo, chơi ngoài cánh đồng cho chúng tập thể dục, đỡ buồn chán. Ở nhà, ông nhắc các cháu học tập hoặc đọc sách, truyện, chơi đồ chơi.
Ông Tuấn chia sẻ: "Khó nhất là lo việc ăn uống cho bọn trẻ. Trước khi đi chợ, tôi hỏi từng cháu hôm nay thích ăn gì để mua. Do mỗi đứa một ý nên rất khó. Có đứa đòi ăn thịt lợn, giò, cá rán, trứng gà tráng... Sau đó, đến lúc nấu lên rồi, chúng có khi lại đổi ý, hờn dỗi không ăn".
\Đối với những gia đình ở cùng ông bà nội ngoại thì đỡ mệt. Với những gia đình ở xa ông bà, việc đưa đón con hằng ngày khá vất vả. Cả hai vợ chồng làm việc ở công ty, buổi sáng hằng ngày, chị Phạm Thị Hằng ở xã Vạn Phúc (Ninh Giang) phải dậy sớm chuẩn bị đồ ăn, sau đó đưa sang nhà ông bà ngoại ở thôn bên cạnh trông hộ. Buổi chiều dù làm về sớm hay muộn, chị lại sang đón về.
"Do 2 cháu còn nhỏ, tôi thường xuyên nhắc ông bà giữ gìn vệ sinh bằng cách rửa tay với xà phòng cho các cháu. Đồng thời, ăn chín, uống sôi, hạn chế tiếp xúc với người lạ hoặc sang hàng xóm chơi"- chị Hằng nói.
Mặc dù bận rộn, mệt mỏi để trông nom con cháu, nhưng các phụ huynh đều cho rằng việc học sinh nghỉ để phòng chống dịch là cần thiết. Cả đất nước đang căng mình phòng chống dịch thì mỗi gia đình đều phải cùng chung trách nghiệm để vượt qua khó khăn.
TRUNG THẢO