Mặt trái của từ thiện qua mạng cần biện pháp mạnh hơn để xử lý, răn đe, ngăn chặn bởi chỉ cảnh báo thôi chưa đủ.
Một tài khoản kêu gọi: "Ai gần địa chỉ này xin giúp sư cô với. Bên mình là câu lạc bộ Tím yêu thương chuyên giúp những trường hợp khó khăn. Khẩn xin quý anh chị em mở rộng tấm lòng chia sẻ với một hoàn cảnh rất đáng thương…". Người được kêu gọi giúp đỡ là một sư cô ở Lâm Đồng.
Theo như lời kể vắn tắt cùng hình ảnh, sư cô không may bị tai nạn bỏng dầu hỏa khá nặng. Chi phí điều trị tại bệnh viện trên 140 triệu đồng, nhưng hoàn cảnh khó khăn. Bài viết nhắn nhủ và kêu gọi gửi tiền ủng hộ vào tên chủ tài khoản và số tài khoản cho sẵn bên dưới. Nội dung thông tin và chữ "khẩn" có thể chạm đến tấm lòng của những ai có lòng hảo tâm.
Một tài khoản khác lại kêu gọi ủng hộ một em bé cần chi phí phẫu thuật ghép da. Tai nạn thương tâm khiến một cháu bé bị bỏng lửa 15%, tình trạng vô cùng nguy hiểm vì ảnh hưởng đến mắt và đường hô hấp. Người mẹ nghèo thì đang chạy vạy khắp nơi nhưng không đủ tiền chữa trị cho con…
Bên dưới bài đăng có tên chủ tài khoản và số tài khoản ngân hàng được cho là của mẹ em bé, kèm theo hình ảnh bé bị thương.
Trang mạng tên "xxxkiemtien" đăng tải bài viết mô tả hoàn cảnh một nữ sinh viên đang trên đường về quê thăm người cha mắc ung thư giai đoạn cuối chẳng may gặp tai nạn thương tâm. Bệnh nhân (được cho rằng) đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng và không có kinh phí chữa trị. Đính kèm bên dưới là số tài khoản nhận giúp đỡ và hình ảnh chụp một bệnh nhân cùng người đàn ông cho là cha của cô sinh viên chỉ còn vỏn vẹn 53.000 đồng trong túi...
Một số hội nhóm, trang mạng khác thấy cũng đang đăng tải nội dung kêu gọi từ thiện tương tự, thật giả đúng sai lẫn lộn trên không gian ảo.
Thử tra nguồn một ảnh lấy từ lời kêu gọi ủng hộ nữ sinh được cho đang điều trị tại Đà Nẵng. Dù biết là tin giả nhưng rất… bất ngờ vì hình ảnh này vừa được đăng trên tờ báo lớn kèm nội dung bài viết "Bệnh viện cảnh báo bài đăng giả mạo kêu gọi giúp bệnh nhân nghèo".
Theo đó, những ngày qua, trên các trang mạng xã hội có hàng loạt bài kêu gọi giúp đỡ một sinh viên quê Quảng Ngãi đang học ở Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Đình Quốc, Phó trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Đà Nẵng khẳng định thông tin đang được chia sẻ trên mạng xã hội về hoàn cảnh bệnh nhân như trên là không có thật.
Đồng thời ông cho biết cuối năm 2023, cũng bài đăng và hình ảnh, nội dung về hoàn cảnh kêu gọi tương tự đã được chia sẻ trên mạng. Trang Facebook phòng công tác xã hội bệnh viện này đã từng đăng bài cảnh báo để mọi người tránh bị lợi dụng…
Về "em bé không có chi phí phẫu thuật ghép da", hình ảnh truy được từ mạng thì đó là một vụ tai nạn xảy ra vào năm 2017 đã được đăng tải trên nhiều báo. Vụ việc xảy ra ở tỉnh Lạng Sơn. Người ta đã thay đổi tên các nhân vật, "cho" ở tỉnh Khánh Hòa nhưng dùng lại hình ảnh trên mạng của bé để kêu gọi hỗ trợ.
Còn thông tin kêu gọi đóng góp hỗ trợ "sư cô ở Lâm Đồng" dựa vào một câu chuyện đăng tải năm 2018 trên mạng.
Táng tận lương tâm khi người ta dùng câu chuyện của nạn nhân vụ tai nạn từ 6 năm trước để kêu gọi từ thiện, y như chuyện vừa xảy ra và còn mạo danh, dùng hình ảnh của một người khác.
Truy tìm nguồn gốc ảnh, dễ dàng để thấy "mượn" ảnh của một sư cô người Việt hiện sinh sống tại nước ngoài từ một bài viết trên báo.
Ba câu chuyện này cho thấy cách dựng tin giả để nhận tiền từ thiện. Có những thông tin khi lan truyền đã được cơ quan chức năng xác định là tin giả, phát cảnh báo. Như vụ kêu gọi giúp đỡ một sinh viên quê Quảng Ngãi đang học ở Đà Nẵng chẳng hạn. Nhưng sau đó, trang mạng và tài khoản mạng khác tiếp tục đăng tải.
Trên một nhóm kiếm tiền có hơn 156.000 thành viên, thậm chí có người nhận thuộc một hội từ thiện đã cập nhật tình trạng bệnh của nữ sinh và kêu gọi đóng góp thông qua số tài khoản của "hội". Thậm chí còn thay mặt ba nữ sinh tri ân công đức của mọi người…
Với các kiểu giả mạo thông tin để nhận tiền từ thiện, cần biện pháp mạnh hơn để xử lý, răn đe, ngăn chặn chứ không chỉ là cảnh báo. Mọi người nên kiểm tra lại thông tin, đọc thông tin chính thống và đóng góp tiền ủng hộ tại những nơi uy tín để đồng tiền đi đúng địa chỉ, giúp đúng hoàn cảnh cần giúp.
Công cụ "Tìm bằng hình ảnh qua Google Ống kính" giúp tìm thấy hình ảnh đã được đăng tải. Và chỉ cần thao tác trên mạng, ai cũng có thể "lật tẩy" được chiêu trò mạo danh, lấy ảnh người khác trên mạng để đi lừa đảo, nhất là lừa đảo từ thiện.
Đọc lại thông tin gốc hiện ra cùng ảnh tìm được, người dùng mạng sẽ không dễ tin và dễ bị lừa.