Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, một người con miền đất xứ Nghệ viết “Mẹ tôi”- mẹ của nhà thơ, nhưng cũng là bà mẹ Việt Nam tiêu biểu thật cảm động và chân thật.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, một người con miền đất xứ Nghệ viết “Mẹ tôi”- mẹ của nhà thơ, nhưng cũng là bà mẹ Việt Nam tiêu biểu thật cảm động và chân thật. Ở đây ngòi bút của thi sĩ đã hóa thân thành “nét cọ” khắc họa hình ảnh người mẹ hiền dịu, chịu thương, chịu khó bằng thể thơ lục bát chân phương, bình dị. Chỉ mười tám câu, chín cặp lục bát mà nhà thơ đã vẽ chân dung cuộc đời của mẹ mình thật sinh động với các thần thái, thần sắc và thần tình. Người ký họa chân dung khó nhất là thần tình khi trực họa. Nhà thơ vẽ bằng trí tưởng tượng về những kỷ niệm sâu đậm và lay động nhất về mẹ: “Mẹ tôi dòng dõi nhà quê/Trầu cau từ thuở mới về làm dâu”.
Trầu cau có thể là quà vật trong lễ dạm hỏi nhưng trầu cau cũng là một vị ẩm thực thường ngày của người dân quê. Cái vị trầu cau mở đầu khiến bài thơ ấm dần, ngấm dần vào tình người, vị quê. Vì thế mới có câu kết của bài thơ: “Mẹ tôi tóc bạc răng đen”. Tứ thơ được triển khai chặt chẽ như cái đường viền khung ảnh của một bức tranh và trong đó nhân vật bắt đầu hiện ra với: “Áo sồi nâu, mấn bùn nâu/Trắng trong dải yếm bắc cầu làm duyên”.
Nếu hai câu thơ trên có hương, có vị thì hai câu thơ này chân dung mẹ có sắc màu, đó là màu nâu, màu dân dã, màu bùn đất, màu chân thật. Hãy chú ý chữ “mấn”, đây là từ địa phương duy nhất được nhà thơ đưa vào khung cảnh này thật hợp lý để khắc họa nét riêng truyền thống của một vùng đất có cả nội hàm văn hóa bản địa trong đó. “Mấn” là từ để nói về cái váy mặc của người xứ Nghệ đã nhuộm bao lượt bùn cho khô, cho bền màu như tình người chân chất gắn bó với ruộng đồng. Nếu chân dung bề ngoài của người mẹ được vẽ bằng những nét cọ thô mộc thì chính cái “dải yếm” như một nét tung tẩy thả hồn vào luyến láy để nâng bổng cái nét đẹp mộc mạc kia lên, đó là vẻ đẹp tâm hồn của mẹ: “Ca dao ru lúa, câu Kiều ru con”. Một người mẹ quán xuyến mọi công việc nhà “Hai tay đồng áng lợn gà nồi niêu” cho cha “Ông đồ hay chữ thường quên việc nhà” mà vẫn chăm lo bồi dưỡng tâm hồn cho con trẻ qua những áng thơ câu Kiều.
Ở đây có một hình ảnh lay thức tôi mãi: “Ca dao ru lúa”. Đành rằng mẹ là người nông dân một nắng hai sương chăm lo cấy hái bằng đôi bàn tay và mồ hôi của mình nhưng tình yêu ruộng đồng, tình yêu cây lúa, tình yêu thiên nhiên đã ngấm vào mẹ từ những làn điệu dân ca, những khúc ca dao thổi hồn nuôi cây lúa thì đây quả là một nét đẹp thuần Việt. Nhà thơ thật tinh tế mới có thể nhận ra. Có lẽ thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo còn là một nhạc sĩ với những ca khúc rất hay như “Khúc hát sông quê”, “Làng quan họ quê tôi” mới có khả năng bắt nhạy thẩm thấu được cái “gen” trội này của người Việt như vậy.
“Mẹ tôi” trong thơ Nguyễn Trọng Tạo là một bà mẹ cụ thể, cụ thể đến mức vận vào ngay hoàn cảnh thực tế của nhà thơ: “Gái trai bảy đứa vuông tròn” nhưng rồi “Đứa Nam đứa Bắc” trong điều kiện “Ngóng con thờ chồng” nhưng vẫn “Nâu sồng mẹ thăm”. Mẹ đi thăm con với cả hồn quê, hồn ruộng với màu nâu sồng hay hồn quê, hồn ruộng đã thấm đẫm vào mẹ. Chỉ một hình ảnh mang tính biểu tượng mà thổn thức đến lạ lùng. Cái màu nâu sồng da diết phủ lên bức tranh của cuộc đời mẹ. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã khép lại tứ thơ của mình bằng một đôi cánh lãng mạn: “Nhớ thương xanh thắm một miền nhà quê”. Hình ảnh “Mẹ tôi tóc bạc, răng đen” thật đẹp, thật nền nã bền gốc cội nguồn. Hóa ra màu bạc của tóc theo thời gian, răng đen nhuộm trầu theo năm tháng lại thắp sáng cái nền xanh thắm của tình đời, tình người trong màu nâu sồng của cõi thiền đời mẹ.
NGUYỄN NGỌC PHÚ
Mẹ tôi Mẹ tôi dòng dõi nhà quêTrầu cau từ thuở mới về làm dâu Áo sồi nâu, mấn bùn nâu Trắng trong dải yếm bắc cầu nên duyên Cha tôi chẳng đỗ Trạng nguyên Ông đồ hay chữ thường quên việc nhà Mẹ tôi chẳng tiếng kêu ca Hai tay đồng áng lợn gà nồi niêu Chồng con duyên phận phải chiều Ca dao ru lúa câu Kiều ru con Gái trai bảy đứa vuông tròn Chiến tranh mình mẹ ngóng con thờ chồng. Bây giờ phố chật người đông Đứa Nam đứa Bắc nâu sồng mẹ thăm Tuổi già đi lại khó khăn Thương con nhớ cháu đêm nằm chẳng yên. Mẹ tôi tóc bạc răng đen Nhớ thương xanh thắm một miền nhà quê. NGUYỄN TRỌNG TẠO |