Người đàn ông khoảng 50 tuổi vào viện trong tình trạng mất thính giác hoàn toàn, chân loang lổ nhiều vết hoại tử khô, kết quả bị nhiễm liên cầu lợn.
Bệnh nhân làm việc ở trang trại lợn, ít khi mang đồ bảo hộ. Ngày 13/3, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết ông bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn thể viêm màng não. Ngoài biến chứng mất thính giác hoàn toàn, người bệnh còn giảm thị giác đáng kể. Phác đồ điều trị là kháng sinh, giảm viêm, bù dịch và cắt lọc các tổ chức hoại tử. Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng hơn, bệnh nhân có thể phải lọc máu.
Nhiễm liên cầu lợn có hai thể chính là nhiễm trùng huyết và viêm màng não. Với thể nhiễm trùng huyết, bệnh sẽ diễn biến rất nhanh và nặng, bệnh nhân bị rối loạn đa cơ quan. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh nguy cơ tử vong rất cao.
Thể viêm màng não thường tiên lượng điều trị tốt hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ có những biến chứng về lâu dài như liệt, các di chứng về mặt thần kinh.
Để phòng bệnh, bác sĩ Thiệu khuyến cáo người dân nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; nấu chín thịt khi ăn. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn.
Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống; giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt. Trong quá trình chăn nuôi, giết mổ lợn cần đảm bảo nguyên tắc an toàn vệ sinh lao động.
T.H (tổng hợp)