Dù thường xuyên phải sử dụng các loại máy móc có nguy cơ mất an toàn cao, nhưng cả người lao động và chủ sử dụng lao động ở các làng nghề sản xuất, chế biến gỗ vẫn chủ quan, lơ là.
Nhiều người làm việc tại các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ ở làng nghề mộc Đông Giao trang bị bảo hộ lao động còn sơ sài
Ở nhiều làng nghề sản xuất, chế biến gỗ, người lao động thường xuyên sử dụng các loại máy móc có nguy cơ mất an toàn cao, làm việc trong môi trường độc hại... nên rất dễ xảy ra tai nạn đối với người lao động.
Chủ quan
Toàn tỉnh hiện có 65 làng nghề truyền thống, trong đó có 14 làng nghề mộc chuyên sản xuất, chế biến gỗ. Các làng nghề thu hút khá nhiều lao động và mang lại nguồn thu nhập cao, nhưng việc bảo đảm an toàn lao động tại các làng nghề sản xuất, chế biến gỗ thường bị xem nhẹ.
Lao động tại một số làng nghề mộc như Đông Giao (Cẩm Giàng), Cúc Bồ (Ninh Giang) thường tiếp xúc với nhiều loại máy móc có các lưỡi cưa, máy cắt, khoan đục sắc nhọn nên chỉ cần một phút lơ là có thể xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Không những thế, người lao động còn có thể mắc một số loại bệnh do tiếp xúc với hóa chất, bụi gỗ, mạt cưa hay bị ảnh hưởng đến thính giác do tiếng ồn...
Năm 2017, anh H.V.H. ở làng nghề mộc Cúc Bồ bị mất 1 đốt tay khi sử dụng máy cắt gỗ. Nhiều lao động tại các làng nghề đều cho biết cũng vì bất cẩn nên đã có nhiều người mất cả bàn tay, gót chân hay mạt gỗ bắn làm người lao động bị mù mắt, gỗ văng vào người gây thương tích...
Hầu hết người lao động làm việc ở các làng nghề trang bị đồ bảo hộ rất sơ sài, thậm chí không dùng đồ bảo hộ khi làm việc. Một số cơ sở sản xuất chật hẹp, nhiều đồ gỗ dễ cháy nhưng không được chủ cơ sở trang bị các thiết bị phòng cháy, chữa cháy hay biển bảng nội quy làm việc, không có tủ thuốc sơ cứu, cấp cứu...
Nhiều chủ cơ sở sản xuất và người lao động cho biết đã làm nghề nhiều năm nhưng chưa từng qua lớp đào tạo, tập huấn nào về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Họ rất muốn tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức nhưng chưa từng biết các lớp liên quan đến vấn đề này.
Anh V.X.E. chủ một cơ sở sản xuất chế biến gỗ ở Đông Giao cho biết luôn nhắc nhở người lao động sản xuất an toàn nhưng không phải lúc nào họ cũng thực hiện tốt được. Ví dụ như đeo găng tay thì vướng, làm không thật tay; đeo khẩu trang và kính thì bị hấp hơi không nhìn được...
Làng nghề mộc Đông Giao có 95% số hộ làm nghề, tạo việc làm cho cả nghìn lao động, thu nhập từ 6 - 30 triệu đồng/người/tháng tuỳ tay nghề. Do có mức thu nhập cao nên số lượng người làm nghề ngày càng tăng. Ông Vũ Hữu Vịnh, Trưởng thôn Đông Giao cho biết thôn đã tích cực tuyên truyền, nhắc nhở người làm nghề phải bảo đảm an toàn lao động khi sản xuất nhưng nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn lao động vẫn luôn thường trực do nhận thức của người lao động và chủ cơ sở còn hạn chế.
Một trong những nguyên nhân tiềm ẩn tai nạn lao động tại các làng nghề sản xuất, chế biến gỗ là do chủ sử dụng lao động và người lao động còn xem nhẹ công tác an toàn, vệ sinh lao động
Nâng cao kiến thức cho người lao động
Lý giải nguyên nhân còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động trong các làng nghề sản xuất, chế biến gỗ, theo đại diện Phòng Lao động-Việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), tại các làng nghề người lao động được chủ sử dụng trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân còn đơn giản như khẩu trang và găng tay vải. Phần lớn người lao động và chủ cơ sở chưa được tham dự các lớp huấn luyện ATVSLĐ và còn xem nhẹ công tác này.
Để trang bị kiến thức về ATVSLĐ cho người lao động và chủ sử dụng lao động, từ năm 2018 đến nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức 66 lớp tập huấn cho 3.960người. Tại huyện Cẩm Giàng, sở đã phối hợp tổ chức một số lớp tập huấn ATVSLĐ, cấp phát các tài liệu tuyên truyền... Thanh tra, kiểm tra một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ như các Công ty TNHH: Falcon Việt Nam, Gỗ Richland... Qua kiểm tra, đã chỉ ra các sai phạm, nhắc nhở, yêu cầu doanh nghiệp khắc phục, thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động nói chung và ATVSLĐ nói riêng.
Cũng theo đại diện Phòng Lao động - Việc làm, thời gian tới căn cứ tình hình thực tế, đơn vị tiếp tục triển khai các buổi huấn luyện, tuyên truyền đến những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và làng nghề, trong đó có làng nghề sản xuất chế biến gỗ. Tuyên truyền trực quan tại các xã, phường, doanh nghiệp. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về ATVSLĐ, phòng tránh các tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra.
Xem clip
THẾ ANH