Chàng trai Tuyên Quang cùng 7 người bạn đã dành 5 tiếng đồng hồ liên tục để hoàn thành bức tranh ý nghĩa trên bức tường 20m2.
Lan tỏa tình yêu đất nước
Những ngày qua, cộng đồng mạng tích cực chia sẻ hình ảnh lá cờ Tổ quốc được vẽ trên các mái nhà. Trào lưu “biến mỗi mái nhà thành một lá cờ Tổ quốc”, với ý nghĩa lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, được các bạn trẻ hưởng ứng nhiệt tình.
Mới đây, một bức tranh khác hưởng ứng “trào lưu đẹp nhất năm” cũng được dân mạng chia sẻ rộng rãi với hàng chục nghìn lượt like (thích) và bình luận.
Đó là bức tranh được vẽ trên tường, với chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, lá cờ đỏ sao vàng và dải đất hình chữ S.
Với hai màu chủ đạo đỏ và vàng, bức tranh tường nổi bật giữa vùng quê. Hình ảnh được anh Phạm Xuân Ngọc (SN 1998, quê Tuyên Quang) chia sẻ với dòng nhắn: “Khoe nhẹ bức tranh chuẩn bị hoàn thành của làng em theo trào lưu cùng cả nước”.
Xuân Ngọc cho hay, bức tranh được vẽ trên bức tường lớn của nhà văn hóa thôn Hồng Hà, xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Đó cũng là quê nhà của chàng trai 26 tuổi.
Bức tranh ý nghĩa trên được anh Ngọc và 7 bạn trẻ thuộc Đoàn Thanh niên xã, thực hiện vào sáng 15/8.
“Hòa cùng không khí chào mừng Quốc khánh (2/9) của cả nước, mình muốn tổ chức một hoạt động ý nghĩa để các bạn thanh niên ở quê cùng tham gia. Nhân dịp các bạn trẻ khắp nơi vẽ cờ Tổ quốc, mình lên ý tưởng vẽ bức tranh này để lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước”, Xuân Ngọc chia sẻ.
Được sự đồng ý của chính quyền xã, anh Ngọc và nhóm bạn bắt tay vào thực hiện bức tranh này. Trước đó, anh dựa vào các bức ảnh sưu tầm trên mạng, tạo ra bản thiết kế rồi dựa vào đó để vẽ tranh lên tường.
Ngọc là nghệ sĩ vẽ tranh tường lâu năm nên có sẵn các dụng cụ vẽ, chỉ cần mua thêm màu tô. Cả nhóm tiến hành vẽ liên tục trong 5 tiếng đồng hồ.
“Trong quá trình vẽ, trời nhiều lúc âm u như muốn mưa khiến chúng mình thấp thỏm. Cả nhóm quyết tâm làm thật nhanh để màu kịp khô, thậm chí chuẩn bị cả máy sấy, chẳng may trời mưa thì sẽ căng bạt để sấy tường. May mắn được thời tiết ủng hộ, đến lúc tranh hoàn thành thì trời nắng đẹp”, Ngọc kể.
Anh Phạm Văn Hiếu (SN 1978, trưởng thôn Hồng Hà, xã Nhữ Khê) cho hay, trước khi thực hiện bức tranh, Xuân Ngọc cùng nhóm bạn trẻ đã xin ý kiến chính quyền thôn, xã.
Ngọc đem bản thiết kế đến trình bày với trưởng thôn, bày tỏ mong muốn được vẽ chân dung Bác Hồ, hình ảnh các chú bộ đội hành quân, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng và bản đồ Việt Nam lên bức tường nhà văn hóa thôn.
"Với tôi, đây là một bức tranh tuyệt vời cả về ý nghĩa lẫn tính thẩm mỹ", anh Hiếu chia sẻ.
Nghề “làm đẹp cho đời"
Xuân Ngọc từng theo học ngành thiết kế. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công việc của Ngọc trở nên bấp bênh. Anh quyết định về quê, làm nghề vẽ tranh tường. Các đơn hàng đến với Ngọc đều đặn, khách hàng ưng ý.
Trung bình mỗi ngày, Ngọc vẽ được 5 - 10m2 tường. Tùy kích thước của mỗi bức tranh mà thời gian hoàn thiện dài, ngắn khác nhau. “Nghề này khó nhất là dựng hình sao cho chuẩn, đặc biệt là hình người và kiến trúc nhà cửa”, Ngọc chia sẻ.
Ngọc vẽ tranh thuộc mọi chủ đề. Có khi anh vẽ tranh theo hình ảnh do khách đưa, cũng có khi anh tư vấn thiết kế, chủ đề tranh cho khách. Thi thoảng gặp khách tin tưởng, anh được tự do sáng tạo, thể hiện phong cách riêng.
Công việc mang lại nhiều điều thú vị cho Xuân Ngọc. “Từng có khách muốn mình vẽ tranh sư tử cái đuổi bắt dê. Vị khách bảo con dê tượng trưng cho anh ấy, còn sư tử cái tượng trưng cho vợ. Anh ấy hay bị vợ bắt nạt nên muốn vẽ như vậy”, Ngọc hài hước kể.
Được làm công việc đúng với niềm đam mê hội họa, lại mang ý nghĩa làm đẹp cho đời, Ngọc nói bản thân thấy rất hạnh phúc. Anh vui khi được đến nhiều nơi, gặp gỡ với nhiều người, tiếp xúc với nhiều gu thẩm mỹ khác nhau.
“Cái đẹp mang tính chủ quan, nhưng khi làm nghề mình phải giữ được sự khách quan để làm hài lòng khách hàng. Gặp khách hàng nào tin tưởng, cho thoải mái sáng tạo, mình vui lắm vì được thể hiện phong cách riêng”, Ngọc tâm sự.
ĐH (theo Vietnamnet)