Các đồng tiền trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã giảm xuống mức yếu nhất trong nhiều tháng so với đồng USD, do tình hình chưa mấy khởi sắc ở Trung Quốc phủ bóng đen lên các quốc gia có quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ với Bắc Kinh.
Đồng peso của Philippines, đồng rupiah của Indonesia và đồng ringgit của Malaysia nằm trong số những đồng tiền chạm mức thấp nhất trong ba tháng so với đồng USD vào thứ Tư (24/1). Đồng baht Thái và đồng AUD của Australia cũng đang giao dịch quanh mức yếu nhất trong một đến hai tháng so với đồng bạc xanh.
Các đồng tiền châu Á và châu Đại Dương đã sụt giảm so với đồng USD kể từ cuối năm 2023, với đồng baht, AUD và NZD của New Zealand giảm khoảng 4% và đồng won Hàn Quốc giảm hơn 3%.
Trong khi đó, đồng euro chỉ mất giá khoảng 1,6% và bảng Anh chỉ mất 0,3% so với USD.
Xu hướng này một phần bắt nguồn từ sự vững chắc của đồng USD kể từ đầu năm. Thông thường, đồng USD mạnh hơn sẽ khiến các nền kinh tế mới nổi gặp khó khăn hơn trong việc thanh toán các khoản nợ bằng USD, từ đó làm suy yếu đồng nội tệ của họ.
Các số liệu kinh tế quan trọng của Mỹ được công bố trong tháng này, chẳng hạn như chỉ số giá tiêu dùng và số liệu doanh số bán lẻ tháng 12/2023 cho thấy sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Các nhà đầu tư đang mua vào đồng USD trong bối cảnh những kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm cắt giảm lãi suất đã yếu dần.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến các đồng tiền châu Á là tình hình kinh tế chưa mấy khởi sắc của Trung Quốc.
Mặc dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã hồi phục phần nào vào mùa Xuân năm 2023, động lực này lại không thể duy trì. Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) lĩnh vực chế tạo tháng 12/2023 của Trung Quốc ở mức 49, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp ở dưới ngưỡng 50 (phân cách giữa tăng trưởng và suy giảm). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này cũng đã giảm ba tháng liên tiếp kể từ tháng 10/2023.
Nhiều nước châu Á phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc, đồng nghĩa sự quy yếu của nước này có xu hướng thúc đẩy việc bán ra đồng nội tệ của các quốc gia đó. Theo số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoảng 30% hàng xuất khẩu của Australia cùng hơn 20% hàng xuất khẩu của Hàn Quốc và Indonesia là sang Trung Quốc vào năm 2022. Bởi vì Trung Quốc nhập khẩu từ châu Á nhiều hơn so với Mỹ hoặc các nền kinh tế lớn ở châu Âu, nên điều kiện kinh tế của nước này có tác động lớn hơn đến khu vực.
Ngoài ra, những lo ngại về suy thoái kinh tế đang thúc đẩy suy đoán về việc cắt giảm lãi suất trên khắp châu Á.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã lần thứ tám liên tiếp giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 3,5% trong cuộc họp tháng này. Nhưng văn bản công bố quyết định chính sách tiền tệ mới nhất không đề cập đến việc BoK cần phải tăng lãi suất, một điểm khác biệt đáng chú ý so với những văn bản trước.
Tại Australia, số liệu việc làm ở nước này trong tháng 12/2023 đã giảm lần đầu tiên sau năm tháng. Thông tin này củng cố kỳ vọng của giới quan sát thị trường là ngân hàng trung ương nước này sẽ hạ lãi suất trong năm nay.
Áp lực chính trị về việc cắt giảm lãi suất cũng đang gia tăng do tác động tiềm tàng của lãi suất cao hơn đối với hoạt động kinh tế. Tại Thái Lan, Thủ tướng Srettha Thavisin được cho là đã kêu gọi ngân hàng trung ương hạ lãi suất chính sách từ mức 2,5% hiện tại.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hôm 24/1 đã công bố giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Động thái này nhằm mục đích đưa thêm tiền vào lưu thông, thúc đẩy hoạt động cho vay để vực dậy nền kinh tế.
Công ty nghiên cứu thị trường và cố vấn tài chính Mizuho Research & Technologies cho biết PBoC có thể tiến hành hạ lãi suất chính sách một lần nữa trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2024.
Nếu các nước láng giềng của Trung Quốc cũng cắt giảm lãi suất trong bối cảnh tồn tại nhiều điều không chắc chắn kế hoạch điều chỉnh lãi suất của Fed, thì các đồng tiền châu Á có thể suy yếu hơn nữa so với đồng USD.