Ngày 20/1/2025, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức và mở ra một chặng đường phát triển mới cho đất nước Mỹ trong vòng 4 năm tới. Vậy những trọng tâm chính sách của Chính quyền tân Tổng thống Donald Trump sẽ là gì?
Trọng tâm trong chính sách đối nội
Trọng tâm trong các thiết kế của Donald Trump là kế hoạch tập trung quyền lực của chính phủ liên bang vào Văn phòng Tổng thống. Theo đó, chính quyền Donald Trump sẽ thúc đẩy các cam kết tranh cử thông qua hành động hành pháp, như đóng cửa biên giới phía nam và khởi xướng trục xuất hàng loạt người di cư; áp dụng thuế quan trên diện rộng đối với hàng hóa nhập khẩu; rút Mỹ khỏi các cơ chế hợp tác đa phương mà nước này cho là thiếu hiệu quả.
Ông Trump sẽ cố gắng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy liên bang bằng cách thay đổi hàng loạt nhân sự lãnh đạo cấp cao, đồng thời nhắm đến việc vô hiệu hóa quyền lực chi tiêu của Đồi Capitol bằng cách kiểm soát các quỹ do Quốc hội phân bổ. Để tăng cường quyền lực hành pháp, tân Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ bổ nhiệm những thân cận nắm giữ các vị trí chủ chốt trong chính quyền với cam kết xóa bỏ các rào cản vẫn tồn tại trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Russ Vought, cựu Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Tổng thống Donald Trump, người hiện đang đứng đầu một nhóm nghiên cứu chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ hai của ông cho biết: “Tổng thống chưa bao giờ có một quy trình chính sách được thiết kế để mang lại cho ông những gì ông thực sự muốn. Ông ấy đã phải gặp nhiều trở ngại về mặt thể chế”.
Các học giả cho biết, bằng cách loại bỏ những trở ngại về thể chế, nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump không loại trừ khả năng sẽ chứng kiến sự chấm dứt của nguyên tắc phân chia quyền lực, vốn đã định hình nên nền quản trị Mỹ kể từ khi quốc gia này được thành lập. Douglas Brinkley, một chuyên gia chính trị người Mỹ cho rằng, ông Trump muốn kiểm soát quyền lực lớn hơn và ngày càng thu hẹp đối với Quốc hội. Ngoài ra, mối quan hệ giữa Tổng thống Donald Trump với Quốc hội sẽ phụ thuộc vào thành phần sau bầu cử của Quốc hội, cũng diễn ra song song và Đảng Cộng hòa cũng chiếm ưu thế trong lưỡng viện của Quốc hội.
Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump có thể sẽ ký một loạt các sắc lệnh hành pháp để đóng cử biên giới Mỹ - Mexico và trục xuất những người di cư bất hợp pháp. Trước đó, ông Trump cam kết sẽ sử dụng Vệ binh Quốc gia và thậm chí là các lực lượng quân đội để đưa 11 triệu công dân nước ngoài bất hợp pháp ở Mỹ, bất chấp luật pháp Mỹ cấm triển khai lực lượng vũ trang chống lại thường dân. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, để cụ thể hóa cam kết, Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ có rất nhiều việc phải làm, ví dụ như phải đàm phán về quyền hạn với các quốc gia tiếp nhận. Vì lý do đó, mà nhiều ý kiến trong ê-kíp của Tổng thống Donald Trump đề xuất kế hoạch xây dựng một mạng lưới các trại giam giữ người di cư mới.
Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ vượt qua Bộ Tư pháp và bổ nhiệm một Quyền Tổng chưởng lý mới, tức là sẽ sa thải Công tố viên đặc biệt Jack Smith, người phụ trách cuộc điều tra chính ông Trump vì cố ý xử lý sai thông tin mật và âm mưu lật ngược kết quả cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
Ngoài ra, một loạt sắc lệnh hành pháp cứng rắn sẽ được Chính quyền Tổng thống Donald Trump ban hành, như cam kết thực hiện chế độ bảo hộ thương mại, áp thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu - những động thái mà hầu hết các nhà kinh tế cho rằng sẽ gây ra tình trạng lạm phát. Theo quan điểm của Tổng thống Donald Trump, chính sách thuế quan của ông sẽ tạo ra việc làm trong nước và giải phóng nước Mỹ khỏi sự phụ thuộc vào ngành sản xuất nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích độc lập ước tính, mức thuế quan trong nhiệm kỳ đầu tiên của Donald Trump đối với hàng nghìn sản phẩm, bao gồm thép và nhôm, tấm pin mặt trời và máy giặt, khiến đất nước thiệt hại 316 tỷ USD và mất hơn 300.000 việc làm.
Đảo ngược chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm?
Tổng thống Donald Trump sẽ thay đổi mạnh mẽ chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiệm kỳ mới. Ông Trump đã bày tỏ mong muốn phá bỏ hàng thập kỷ ngoại giao, nói rằng sẽ không bảo vệ một quốc gia NATO nếu quốc gia đó không chi đủ tiền cho quốc phòng tập thể.
Thậm chí đã có ý kiến dự đoán rằng ông Trump sẽ thực sự rút khỏi NATO hoàn toàn nếu thắng cử, mặc dù cái giá phải trả cho việc Mỹ từ bỏ đồng minh truyền thống là rất lớn. Trong 80 năm qua, Mỹ đã hành động như một siêu cường toàn cầu để bảo vệ phương Tây và các giá trị chung về tự do chính trị và kinh tế. Các nhà ngoại giao lo ngại rằng, việc rút lui khỏi cách tiếp cận truyền thống có thể tạo “khoảng trống” cho các đối thủ cạnh tranh của Mỹ, như Nga, Trung Quốc, không ngừng mở rộng ảnh hưởng, nhất là tại các địa bàn cạnh tranh địa chính trị chiến lược. Việc ông Trump lựa chọn người đồng hành là Thượng nghị sĩ Ohio J.D. Vance càng làm tăng thêm những lo ngại trên khi ông J.D. Vance là một trong những người chỉ trích gay gắt nhất đối với việc Washington tăng cường viện trợ cho Ukraine.
Liên minh châu Âu cũng nên chuẩn bị cho tình trạng quan hệ thương mại với Mỹ ngày càng xấu đi. Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 7, ông Trump một lần nữa cáo buộc người châu Âu đối xử bất công với Mỹ. Những khía cạnh này, cùng với vấn đề đóng góp cho ngân sách quốc của các nước thành viên NATO, sẽ tiếp tục xoáy sâu những bất đồng giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu.
Trong quan hệ với Nga, chính quyền Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ nối lại các kênh liên lạc với Nga, không chỉ trong vấn đề Ukraine, mà còn nhằm giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng giữa hai nước. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Ivan Timofeev, Tổng Giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) cho rằng, mối quan hệ Mỹ - Nga được quyết định bởi các yếu tố cấu trúc chứ không phải bởi vai trò cá nhân Tổng thống Mỹ. Sự lạnh nhạt trong quan hệ hai nước diễn ra dưới thời Tổng thống Joe Biden và nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Ông Trump sẽ tích cực vận động hành lang hơn để Mỹ có thể kiểm soát và chiếm lĩnh thị trường châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) và Nga tiếp tục cuộc chiến cấm vận thì xu hướng này của ông Trump ngày càng thực tế.
Chính sách Trung Đông của Tổng thống Donald Trump cũng sẽ phản ánh phần lớn các chính sách trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Có thể có sự ấm lên trong mối quan hệ với Saudi Arabia, tăng cường hỗ trợ quân sự cho Israel, cũng như gia tăng áp lực đối với Iran.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó đặt ASEAN ở vị trí trung tâm. Mặc dù ông Trump không đề cập nhiều đến ASEAN trong chiến dịch vận động tranh cử, song xét về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cho thấy quan hệ giữa Mỹ và ASEAN đang có những bước phát triển mạnh mẽ, ít nhất là trong 2 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ gần đây. Về kinh tế, Mỹ hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào ASEAN, với tổng giá trị thương mại giữa hai bên đạt tới 500 tỷ USD vào năm 2023. Kể từ năm 2002, Mỹ đã cung cấp hơn 14,7 tỷ USD viện trợ kinh tế, y tế và an ninh cho các đối tác trong khu vực, khẳng định vai trò không thể thiếu trong sự phát triển toàn diện của ASEAN. Mối quan hệ hợp tác an ninh - quốc phòng giữa Mỹ và các nước khu vực cũng được tăng cường trong thời gian qua. Theo giới phân tích chính trị, nhờ duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, cùng vị trí địa chính trị quan trọng, ASEAN ngày càng có sức hút đối với các nước lớn, trong đó đặc biệt là Mỹ. Ngoài việc củng cố quan hệ đồng minh với Nhật Bản, Hàn Quốc hay Philippines, Mỹ không thể bỏ qua vai trò của ASEAN để quay trở lại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Đông Nam Á, trước sự “trỗi dậy” của Trung Quốc.
HÙNG ANH