Lương giáo viên thấp, nhiều nhà giáo phải vừa dạy học vừa bán hàng online, chạy taxi, xe ôm công nghệ thậm chí phụ hồ…để cải thiện cuộc sống. Điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.
Ngoài giờ dạy, một số giáo viên phải làm thêm đủ nghề kiếm sống
Bà Lương Thị Hương Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đạo Tú, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) cho biết, trường có 23 lớp nhưng chỉ có 16 giáo viên dạy văn hoá. Thiếu quá nhiều giáo viên nhưng trường không thể tự ký hợp đồng với giáo viên vì sai nguyên tắc. Chưa kể hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc thu chi dạy 2 buổi/ ngày nên vấn đề tăng thêm thu nhập cho giáo viên đứng lớp rất khó khăn.
Bà Lan cho rằng, cần phải quan tâm bố trí đủ đội ngũ thì nhà trường mới có thể điều hành đảm bảo chất lượng dạy học. Nhất là trong bối cảnh chuẩn bị thực hiện chương trình mới, nếu không phải có cơ chế hợp đồng cụ thể bởi như hiện nay, các hiệu trưởng vừa làm vừa trông.
Theo bà Hương Lan, tình trạng giáo viên thiếu tâm huyết với nghề cũng ảnh hưởng tới chất lượng dạy học. “Lương giáo viên 5 triệu, trong khi làm nghề phụ như bán hàng online họ cũng thu nhập 10 triệu/tháng thì thử hỏi họ yêu cái gì hơn”, bà Lan nói.
Thầy N.V.Đ giáo viên một trường THCS ở Hà Tĩnh, nhiều năm nay sau giờ dạy thầy lại chạy taxi kiếm thêm thu nhập. Để có tiền mua chiếc xe ô tô cũ với giá 350 triệu đồng, thầy đã đặt sổ đỏ cho ngân hàng để vay tiền. “Đành phải liều thôi, để có tiền nuôi 2 con ăn học mình không ngại làm thêm việc”, thầy Đ. nói. Cũng theo thầy Đ., có giáo viên còn nhận làm phụ xây nhà, nấu cỗ đám cưới…
Cô L. T. H.Y, giáo viên một trường ở Hà Nội nhiều năm ngoài dạy học còn kiêm thêm nghề bán hàng online và bảo hiểm. Cô H.Y chia sẻ, ban đầu cô lấy lại mỹ phẩm của đại lý để bán online, dần quen khách cũng kiếm thêm được tháng 5-6 triệu. Sau này, cô bán thêm bảo hiểm với hy vọng cải thiện được cuộc sống. “Ở Hà Nội, chi tiêu đắt đỏ nếu chỉ trông cậy vào đồng lương cuộc sống sẽ rất khó khăn, vì vậy buộc mình phải năng động”, cô chia sẻ.
Tuy nhiên, cô H.Y cũng cho rằng, công việc dạy học ở trường cả ngày đã rất mệt, để bán được hàng, cô phải tranh thủ giờ nghỉ trưa và thức đêm để nói chuyện với khách hàng. Lắm đêm phải soạn hàng đến 1-2 giờ sáng để ngày hôm sau đi gửi cho khách.
Lương giáo viên thấp, không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống là câu chuyện không mới. Tháng 11.2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng có đề xuất xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục. Đề xuất này nhận được sự kỳ vọng của đội ngũ giáo viên tuy nhiên, đề xuất đó đã không nhận được sự đồng tình ủng hộ do ngân sách quá hạn hẹp.
Hiện nay, nhà giáo được xếp lương theo chức danh nghề nghiệp quy định tại bảng 3, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước. Ngoài lương, giáo viên được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề mức cao nhất là 70% và phụ cấp thâm niên nghề. Trên thực tế, giáo viên mới ra trường có mức lương khoảng hơn 3 triệu đồng, giáo viên hợp đồng mức lương thấp hơn nhiều.
Theo Tiền phong