Luật Phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019 ra đời được đại đa số nhân dân hoan nghênh và hưởng ứng.
Những ngày gần đây, khi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019 cùng với Nghị định số 100/NĐ-CP được thi hành, đã tạo nên dư luận mừng vui có, lo lắng có, trước thời điểm cả nước đang hoàn tất những công việc cuối năm và chuẩn bị đón Tết.
Có thể thấy, những quy định trong luật và nghị định rất chặt chẽ, cụ thể về những hành vi vi phạm, lạm dụng rượu bia với mức phạt rất cao so với quy định trước. Chính vì sức nặng đó khiến dư luận cũng không khỏi băn khoăn về một số điều luật về lâu dài có được khả thi cùng những hệ lụy khác.
Thực tế mấy năm qua nền kinh tế nước ta ngày càng phát triển, các phương tiện giao thông tăng lên nhanh chóng, kéo theo tai nạn giao thông (TNGT) cướp đi sinh mạng của biết bao người, làm nhiều người bị thương, tốn bao nhiêu tiền bạc và để lại hậu quả xã hội nặng nề. Trong cái hiểm họa đó có tới trên 40% do lái xe dùng rượu bia gây nên.
Ngoài TNGT, rượu bia còn liên quan đến hàng trăm bệnh khác, là tác nhân gây mất trật tự an ninh, đổ vỡ hạnh phúc gia đình, vi phạm pháp luật và nhiều hệ lụy khác... Vì những lẽ đó, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019 ra đời được đại đa số nhân dân hoan nghênh và hưởng ứng.
Đón nhận nhưng liệu luật có đi vào cuộc sống, có khả thi không? Nhiều người còn nhớ trước năm 1995, nạn sản xuất, buôn bán, đốt pháo nổ đã hoành hành trong cả nước cũng gây ra biết bao thiệt hại về người và tài sản, làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Theo số liệu của cơ quan chức năng, năm 1994 cả nước xảy ra 728 vụ đốt pháo nổ, làm 765 người bị thương, 71 người chết, thiệt hại tài sản trị giá từ 20-30 tỷ đồng. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị từ ngày 1.1.1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa).
Qua từng năm, từng Tết, lệnh cấm pháo từng bước đã được thực thi quyết liệt, hạn chế rất nhiều thiệt hại về người và của, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội...
Khi mạng lưới và phương tiện giao thông được mở rộng, phát triển, con người sử dụng tăng lên nhưng kèm theo là TNGT cũng gia tăng. Trong số những tai nạn dẫn đến tử vong hoặc rất nghiêm trọng là những người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm.
Quy định về bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy đã ra đời... Các cơ quan chức năng đã tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, từng năm hạn chế số người không đội mũ bảo hiểm cũng là giảm thiểu số TNGT.
Những diễn biến và kết quả thực hiện các quy định về cấm pháo nổ, bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên đây liên hệ với Luật Phòng chống tác hại của rượu bia mới ra đời chứng tỏ một khi luật đã hợp lòng dân, lợi nhà, ích nước thì dù còn những khó khăn, trở ngại nhưng với tinh thần thượng tôn pháp luật của toàn dân thì luật sẽ từng bước đi vào cuộc sống. Bởi đó là những quy định đầy nhân văn, cứu mạng mỗi con người, mỗi gia đình, góp phần gìn giữ quê hương, đất nước thanh bình.
NGUYỄN THẾ(TP Hải Dương)