Cho ý kiến về việc người quản lý cơ sở y tế có năng lực về chuyên môn, nhưng lại chưa có năng lực về quản trị, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, trong trường hợp cụ thể cũng nên cân nhắc xem xét.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Trong khuôn khổ phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long sáng 10.11, hàng loạt vấn đề được đại biểu Quốc hội đặt ra liên quan đến việc bố trí giám đốc bệnh viện cần chuyên môn hay cần kỹ năng quản lý, tình trạng bố trí cán bộ đã đáp ứng được yêu cầu chưa khi để xảy ra nhiều sai phạm; sự phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ trong việc đào tạo, phát triển nhân lực ngành y tế thời gian tới; quan điểm và chủ trương về sắp xếp các trung tâm y tế cấp huyện đa chức năng về địa phương… đã được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời thỏa đáng.
Rõ điều kiện, quy trình bổ nhiệm viên chức quản lý ở các đơn vị sự nghiệp
Trả lời ý kiến đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về việc bác sĩ giỏi nhưng chưa chắc đã quản trị giỏi và có thể tách bạch việc quản trị và quản lý chuyên môn được không, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nên rõ, về mặt chủ trương chung, trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và sự nghiệp y tế nói riêng, chúng ta đều quán triệt chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 20/NQ-TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
“Những quy định nêu trên đã nêu rất rõ về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình để bổ nhiệm viên chức quản lý ở các đơn vị sự nghiệp. Từ một khung chung trên cơ sở của Nghị định 115, được thể hiện từ các điều 43 đến điều 46, các bộ chuyên ngành căn cứ vào đó để xây dựng quy định, tiêu chuẩn, điều kiện rất cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành mình,” Bộ trưởng khẳng định.
Theo người đứng đầu ngành nội vụ, Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định cụ thể về chức năng, tiêu chuẩn bổ nhiệm đơn vị sự nghiệp trong ngành y tế. Nhưng thực tế, cũng có những vấn đề phát sinh ở một số cơ sở y tế, có thể là người quản lý cơ sở y tế có năng lực về chuyên môn, nhưng lại chưa có năng lực về quản trị.
Từ thực tiễn đó, với góc độ của ngành, Bộ trưởng bày tỏ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và khẳng định sẽ phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề này, để “làm sao bảo đảm như mong muốn, nếu vừa có năng lực chuyên môn, vừa có năng lực quản trị là tốt nhất, còn trong trường hợp cụ thể cũng nên cân nhắc xem xét, nhất là khi chúng ta đang thực hiện đẩy mạnh tự chủ các đơn vị sự nghiệp công, để lựa chọn được người thực sự có năng lực quản trị, đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp y tế.”
Theo Bộ trưởng, đây là một nội dung rất hay, nhưng cũng cần phải làm rất rõ về tiêu chuẩn, điều kiện và trách nhiệm của người đứng đầu đối với đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là khi chúng ta đang thực hiện tự chủ và đẩy mạnh xã hội hóa đối với sự nghiệp y tế theo tinh thần Nghị quyết 19.
Xem xét căn cơ vấn đề phân cấp
Liên quan đến câu chuyện phân cấp trong hệ thống y tế trên địa bàn, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đồng tình với ý kiến đại biểu về việc cần rà soát và xem xét một cách hết sức căn cơ, cụ thể trong vấn đề quản lý nhà nước đối với hệ thống y tế, đặc biệt là hệ thống y tế ở cấp tỉnh, cấp huyện.
Bộ trưởng nhận định, việc giao Trung tâm Y tế, gồm Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế của các cơ sở xã, phường, thị trấn cho UBND cấp huyện quản lý là rất phù hợp với yêu cầu này. Sau kỳ họp này, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo với Chính phủ để có thể thực hiện phân cấp được ngay.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh minh họa: Quang Duy/TTXVN)
“Không có vấn đề gì vướng mắc cả. Vấn đề ở đây là trên cơ sở của Nghị quyết 20, Bộ Y tế có ban hành thông tư để thực hiện việc này, nhưng đến nay, trong quá trình vận hành, có rất nhiều bất cập. Đặc biệt, về vấn đề quản lý cơ sở y tế trên địa bàn có nhiều vướng mắc đối với địa phương,” Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.
Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục rà soát để phân cấp tiếp các cơ sở khám, chữa bệnh y tế hiện nay thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế quản lý cho các tỉnh, tức là phân cấp theo lãnh thổ. Như vậy sẽ hiệu quả hơn, vừa sát với yêu cầu thực tiễn, vừa phát huy được vai trò, trách nhiệm quản lý của địa phương đối với các cơ sở sự nghiệp nói chung, sự nghiệp y tế nói riêng trên địa bàn.
Đánh giá tổng thể vấn đề tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập
Giải trình về vấn đề nhân lực y tế, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, nguồn nhân lực y tế hiện còn nhiều khó khăn, chưa bảo đảm về số lượng và cũng có những mặt hạn chế về chất lượng.
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế rà soát lại toàn bộ hệ thống các cơ chế, chính sách hiện có, trên cơ sở đó, có chủ trương cụ thể. Cần thiết có thể xây dựng một đề án có tính chiến lược để tập trung xây dựng nguồn nhân lực y tế đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát lại những yêu cầu có liên quan đến việc thực hiện tự chủ đối với các cơ sở y tế. Theo Bộ trưởng, những năm qua, việc thực hiện Nghị quyết 19 đã đạt được những kết quả bước đầu. Số đơn vị sự nghiệp y tế thực hiện tự chủ đẩy mạnh và số đơn vị sự nghiệp y tế tự chủ hiện nay đã đạt trên 10%, số tự chủ hoàn toàn đạt khoảng 6%.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay, từ vấn đề tự chủ này, đã xuất hiện những vấn đề bộ, ngành tới đây tiếp tục phải rà soát lại. Tới đây, cần có đánh giá một cách tổng thể trong việc thực hiện Nghị quyết 19, trong đó có vấn đề tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp, để chúng ta có đầy đủ cơ sở, nhất là về những cơ chế, chính sách để vận hành.
“Hiện nay, theo Nghị định 120, còn đang thiếu một vấn đề lớn nhất, đó là quy hoạch lại các đơn vị sự nghiệp chúng ta chưa làm xong. Thứ hai nữa, đó là định mức về kinh tế kỹ thuật và giá dịch vụ, các bộ, ngành cũng cần phải phối hợp với nhau để chúng ta hoàn thiện. Thứ ba là chúng ta cần quan tâm xác định các danh mục dịch vụ công cơ bản, thiết yếu để phục vụ cho vấn đề tự chủ cũng như đẩy mạnh tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp mới đảm bảo được yêu cầu, nhất là đối với sự nghiệp y tế, đang rất cần đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa,” Tư lệnh ngành Nội vụ nhấn mạnh.
Một lần nữa, Bộ trưởng cũng khẳng định tiếp thu ý kiến của các đại biểu liên quan đến tổ chức bộ máy, nhân sự, để tới đây Bộ Nội vụ phối hợp một cách chặt chẽ hơn trong việc chăm lo xây dựng đội ngũ nhân lực, tổ chức bộ máy y tế đáp ứng được yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Theo TTXVN