Nguyễn Thị Hà Thành được xác định là chủ mưu, cầm đầu, dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo, chiếm đoạt của 3 ngân hàng tổng số tiền hơn 433 tỷ đồng.
Sáng 24.3, sau 4 ngày nghị án, TAND Hà Nội tuyên án với Nguyễn Thị Hà Thành (39 tuổi, ở Hà Nội) cùng 25 bị cáo khác liên quan vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng của 3 ngân hàng và 4 cá nhân.
Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành bị tuyên mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội này, Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Thị Thu Hương (Trưởng bộ phận khách hàng Phòng giao dịch Đông Đô của ngân hàng VietABank) cùng lĩnh 18 năm tù, Quản Trọng Đức (Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô) 17 năm tù.
Bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô) bị phạt tổng mức án 17 năm tù về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Nguyễn Mai Phương (kiểm soát viên ngân hàng này) bị phạt 14 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các bị cáo Đỗ Minh Đức (cựu cán bộ ngân hàng PVcomBank) 6 năm tù, Bùi Văn Tuấn (cựu cán bộ ngân hàng PVcomBank) 5 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Cùng tội này, Trần Thị Hoa (cựu Giám đốc chi nhánh Hà Nội của ngân hàng NCB) lĩnh 5 năm tù. Bị cáo Nguyễn Hồng Trung lĩnh 6 năm tù, Nguyễn Thanh Bình 6 năm tù, Trịnh Trung Kiên 5 năm 6 tháng tù, Triệu Đình Hoan 30 tháng tù, Nguyễn Thị Là và Triệu Thị Hạnh cùng 18 tháng tù, Phạm Thế Tuấn 12 tháng tù.
Nhóm bị cáo lĩnh từ 12 tháng cải tạo không giam giữ đến 36 tháng tù treo, gồm: Đặng Thị Ngọc Lan, Đặng Thị Thu Hòa, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trịnh Phương Ngân, Lê Thị Hiên, Phạm Thu Hiền, Đỗ Thị Liên, Bùi Thị Nga, Nguyễn Giang Hòa và Nguyễn Thị Hồng Hạnh.
Quá trình tranh tụng, Nguyễn Thị Hà Thành và nhiều bị cáo thừa nhận cáo buộc của VKS. Trong đó, Hà Thành khai không có đồng phạm trong vụ án, không có sự bàn bạc với ai và một mình hưởng lợi.
Trong khi đó, Đặng Thị Quỳnh Hương (cựu trưởng phòng thuộc chi nhánh Đông Đô của VietAbank) là người duy nhất kêu oan do bị cáo buộc 2 tội danh. Quỳnh Hương cho rằng tại tòa, Hà Thành đã khai Hương không tham gia, không hưởng lợi. Bị cáo mong tòa xem xét việc mình không đồng phạm với Thành, cũng không tham gia quá trình giải ngân.
Một số cựu cán bộ nhà băng như Quản Trọng Đức, Trần Thị Hoa cho rằng họ không cố tình phạm tội, chỉ là do vô ý hoặc không kiểm soát hết được hành vi của cấp dưới.
Ông Đặng Nghĩa Toàn (người bị chiếm đoạt hơn 122 tỷ đồng khi gửi tiết kiệm ở 3 chi nhánh ngân hàng) cho rằng bản thân không vay tiền của Hà Thành và không nhận khoản tiền lãi nào từ bị cáo. Ông Toàn đề nghị tòa buộc 3 ngân hàng nêu trên giải tỏa, trả tiền tiết kiệm cho vợ chồng ông theo quy định của pháp luật.
Còn đại diện các nhà băng khi tham gia tranh tụng, lập luận quan hệ giữa Hà Thành với ông Toàn là quan hệ vay tiền thông qua việc gửi tiền tiết kiệm đồng sở hữu. Các ngân hàng chỉ là công cụ đảm bảo cho quan hệ dân sự này, nên người trả tiền cho ông Toàn phải là Hà Thành.
Sau khi phân tích, VKS đề nghị Nguyễn Thị Hà Thành bồi thường cho VietABank 249 tỷ đồng, bồi thường cho NCB 47,5 tỷ đồng và cho PVcomBank 49,4 tỷ đồng. Đối với số tiền 122 tỷ đồng mà ông Toàn có trong các sổ tiết kiệm gửi 3 ngân hàng, VKS đề nghị các nhà băng giữ lại để giải quyết việc vay mượn.
Theo VTC