Dù hoàn cảnh trắc trở và còn nhiều khó khăn nhưng chị Vũ Thị Lữ (35 tuổi, ở xã Lê Hồng, Thanh Miện) vẫn hết mình làm việc thiện. Đối với chị Lữ, hạnh phúc là được cho đi, được san sẻ yêu thương với những mảnh đời bất hạnh.
Hằng ngày, chị Lữ dậy từ rất sớm để nấu cháo phát miễn phí cho các bệnh nhân
Ấm áp tình người
Chiều cuối tuần, sân sau của Bệnh viện Tâm thần Hải Dương (Gia Lộc) bỗng trở nên náo nhiệt hơn. Hàng trăm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân từ các phòng, khoa ùa ra chờ đợi khi biết có đoàn đến phát cháo từ thiện. Vài bệnh nhân nam như vừa tỉnh ngủ, mình trần trùng trục lếch thếch đi đến. Người cầm ca, người cầm cốc, không ai bảo ai tự xếp thành hai hàng dài. Nhưng cũng có bệnh nhân không chịu vào hàng chen lên đòi nhận phần trước. "Hôm nay chúng cháu phát chè đỗ đen nên các bác không phải mang đồ đựng. Ai cũng có nên không phải tranh nhau đâu ạ!", một tình nguyện viên vừa báo tin, vừa nhắc những người cố chen vào hàng. Dù có sự hỗ trợ của một số y, bác sĩ trong bệnh viện, nhưng cũng phải khá khó khăn các tình nguyện viên mới ổn định được những người chen lấn, xô đẩy nhau.
Gần chục thùng xốp được chuyển từ trên xe ô tô tải xuống. Đã quá thành thục, mỗi người một việc, các tình nguyện viên nhanh chóng lấy những cốc chè mát lạnh từ trong thùng bày lên bàn. Chè được đựng trong cốc, dán màng nhựa, ướp đá cẩn thận không khác gì ở những cửa hàng bán đồ uống. Bệnh nhân, người nhà tiếp nối nhau, người nhận một cốc, người muốn hai cốc, ba cốc. Những người nhận chè còn được tặng thêm một chiếc khẩu trang vải để phòng dịch Covid-19. Có bệnh nhân, các tình nguyện viên phải dọa sẽ không phát chè cho nếu không đeo khẩu trang thì mới miễn cưỡng thực hiện. "Ở đây bệnh nhân nặng nhẹ, nhận thức khác nhau nhưng đa số đều có hoàn cảnh khó khăn vì phải điều trị kéo dài. Nhiều người lấy cháo để dành ăn cả ngày. Vì vậy mỗi lần phát cháo, phát chè ở đây chúng tôi đều phải chủ động nấu nhiều thêm mới đủ", chị Nguyễn Thị Thuận, một tình nguyện viên chia sẻ.
Chỉ trong nửa giờ đồng hồ, hơn 500 cốc chè được mang đến đã hết sạch. Bệnh nhân có người nói cám ơn, có người chỉ lẳng lặng mang đồ ra một góc ngồi ăn. Các tình nguyện viên lại đi nhặt những túi nilon, cốc nhựa mà họ bỏ lại. Vì đã quá quen và thấu hiểu, không một lời phàn nàn, dù luôn chân luôn tay nhưng ai cũng rạng rỡ nụ cười. "Chúng em quen rồi nên không còn thấy sợ, chứ có lần một bạn trong nhóm còn bị bệnh nhân vô cớ tát vào mặt. Nhiều người muốn làm từ thiện cũng chỉ gửi tiền ủng hộ vì ái ngại, không dám vào viện", chị Thuận tâm sự.
Hơn 1 năm nay, tuần nào cũng vậy, hơn chục thành viên trong nhóm thiện nguyện "Chung một tấm lòng" lại cùng nhau nấu và phát cháo tại Bệnh viện Tâm thần Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện. Thành viên nhóm "Chung một tấm lòng" đến từ các huyện Thanh Miện, Gia Lộc, TP Hải Dương. Thành lập từ tháng 10.2018, dù thành viên chính thức không nhiều nhưng nhóm tập hợp được hàng trăm tấm lòng hảo tâm đến từ khắp nơi, sẵn sàng san sẻ với những "chiếc lá chưa lành". Cùng với duy trì phát cháo miễn phí cho bệnh nhân, nhóm còn tổ chức nhiều chuyến đi tình nguyện đến những thôn, bản xa xôi ở Tuyên Quang, Lai Châu. Ở trong tỉnh, mỗi khi nhận được thông tin về một hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, nhóm lại cử người đến xác minh rồi kêu gọi vận động, trích quỹ hỗ trợ. Đến nay, nhóm đã hỗ trợ đột xuất 11 trường hợp đặc biệt khó khăn với tổng số tiền trên 100 triệu đồng. Đợt giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, tối nào các thành viên trong nhóm cũng chuẩn bị nấu đồ ăn đêm, nước uống, trái cây để tiếp sức cho lực lượng ở hàng chục chốt kiểm soát tại một số xã ở Thanh Miện. Cứ như vậy, họ âm thầm giúp đỡ những hoàn cảnh còn khó khăn, hết mình, hết sức chung tay vì cộng đồng.
Nhóm thiện nguyện "Chung một tấm lòng" do chị Lữ thành lập phát chè cho bệnh nhân ở Bệnh viện Tâm thần Hải Dương
Hạnh phúc là được cho đi
Qua câu chuyện với các thành viên của nhóm, chúng tôi được biết không phải dễ dàng mà "Chung một tấm lòng" lại được nhiều "Mạnh Thường Quân" trong và ngoài tỉnh tin tưởng, ủng hộ. Để duy trì và ngày càng lan tỏa thiện tâm đến với những hoàn cảnh khó khăn như hôm nay là nhờ một phần công sức của vợ chồng chị Vũ Thị Lữ và anh Nguyễn Văn Khiên ở thôn Lâm Kiều, xã Lê Hồng (Thanh Miện).
Chị Lữ tiếp chuyện chúng tôi trong gian lán được sử dụng để nấu ăn lúc nào cũng ngổn ngang xoong, nồi cỡ lớn. Tóc cắt ngắn, dáng người khắc khổ làm cho chị Lữ có vẻ già hơn so với tuổi 35 của mình. Nhắc về cơ duyên đến với công việc thiện nguyện, chị Lữ kể lại, giữa năm 2018, vợ chồng chị cùng vài người bạn đi vận động, thu gom quần áo ấm ủng hộ đồng bào vùng cao. Bất ngờ với mọi người là chỉ trong thời gian ngắn đã vận động được hàng tấn quần áo và trên 40 triệu đồng. Muốn trao tận tay tài sản quyên góp được đến những địa chỉ cần giúp đỡ, chị Lữ cùng nhóm liên hệ rồi lấy xe tải của gia đình chở lên tận xã Đội Bình, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) làm từ thiện.
Sau chuyến đi ý nghĩa, được tận mắt thấy những vất vả, thiếu thốn của bà con vùng cao, chị Lữ quyết định thành lập nhóm và đặt tên "Chung một tấm lòng" với mong muốn thu hút được nhiều người chung tay giúp đỡ nhiều cảnh đời hơn. "Hầu hết thành viên đều là công nhân, lao động phổ thông nên thời gian đầu rất khó khăn, vất vả chúng tôi mới duy trì được hoạt động, nhất là từ khi triển khai nấu cháo miễn phí tại các bệnh viện. Vì không muốn bệnh nhân nhỡ bữa mà có thời điểm chúng tôi phải góp từng chục nghìn một, thậm chí bán cả hoa quả trong nhà để có kinh phí trang trải. Cuộc sống chưa dư dả gì mà cứ đi làm từ thiện nên nhiều người còn bị người thân quở trách. Cũng may là tôi làm gì cũng được ông xã và gia đình ủng hộ", chị Lữ nhớ lại.
Câu chuyện giữa chúng tôi bỗng chùng xuống khi chị Lữ nhắc đến người bạn đời của mình. Lấy nhau năm 2014, chị Lữ nghỉ làm công nhân may để quán xuyến việc nhà. Hai vợ chồng vay mượn khắp nơi đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi. Anh Khiên, chồng chị cũng cố mua một chiếc xe tải để vừa phục vụ công việc của nhà, vừa chở thuê có thêm thu nhập. Tuy vất vả, nhọc nhằn nhưng hai vợ chồng chị Lữ lúc nào cũng hòa thuận, đầm ấm. Trong công việc gia đình hay những chuyến đi từ thiện, anh Khiên đều đồng hành cùng vợ. Tưởng chừng cuộc sống cứ vậy rồi sẽ bớt khó khăn hơn, nhưng không ngờ tai họa lại đột ngột ập xuống mái ấm vẫn còn chưa đủ đầy. Cách đây hơn 1 năm, sau bữa cơm tối, một cơn đau tim đã khiến anh Khiên mãi mãi không trở về. Chị Lữ đau đớn bất lực nhìn chồng ra đi mà không kịp nói lời sau cùng. Anh Khiên qua đời, chị Lữ đành bán chiếc xe tải mà anh vẫn lái hằng ngày để trả nợ. Một mình không đủ sức gánh vác khu chuyển đổi nên chị Lữ phải cho người khác thuê rồi chạy chợ bán hàng, nuôi trồng lặt vặt ở nhà.
Chưa thể nguôi ngoai nỗi đau mất chồng, chị Lữ tìm niềm vui khi gieo những hạt giống của sự yêu thương. Vượt qua những nỗi niềm riêng, hơn một năm nay chị Lữ vẫn cùng những thành viên trong nhóm làm cầu nối mang phúc lành đến với những cảnh đời bất hạnh. Trong chuyến từ thiện đi Lai Châu vừa qua, mặc dù không còn người bạn đời đi cùng nhưng yêu thương mà chị mang đi vẫn luôn đong đầy. Tiếng lành đi xa, những hoạt động đầy ý nghĩa của "Chung một tấm lòng" ngày càng được nhiều người biết đến. Hầu như tuần nào nhóm của chị Lữ cũng nhận được những sự giúp đỡ, ủng hộ của mọi người, trong đó có những người chưa từng biết mặt nhưng không mảy may nghi ngờ. "Từ khi ông xã mất, tôi càng đồng cảm hơn với những người có cuộc đời bất hạnh. Tôi luôn tâm niệm và cố gắng cho đi. Nếu không nhận lại thì cũng đã được cho đi. Mình còn giúp được ai thì giúp, nếu không hỗ trợ được nhiều vật chất thì cũng san sẻ được gánh nặng tinh thần", chị Lữ tâm sự.
Cuối năm 2019, được sự ủng hộ của gia đình, chị Lữ đã thực hiện dự định ấp ủ từ lâu là đăng ký hiến tặng mô, tạng tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người sau khi chị qua đời. Khi chúng tôi hỏi về tương lai, dù chưa có dự định riêng cho mình, nhưng chị Lữ quả quyết rằng dù sau này có khó khăn đến đâu, thậm chí dù nhóm chỉ còn một mình thì chị cũng cố gắng duy trì hoạt động của "Chung một tấm lòng". Trong những ngày tới, để bảo đảm phòng chống dịch mà vẫn quan tâm được các bệnh nhân, nhóm sẽ không phát cháo trực tiếp mà nấu xôi hoặc mua bánh mì đóng hộp để chuyển cho bệnh viện phát tới từng phòng cho các bệnh nhân và người nhà. Dường như đối với chị Lữ, sống là để cho đi, ngay cả khi trái tim ngừng đập...
HẠO NHIÊN