Truyện ngắn

Lòng mẹ

NGUYỄN SỸ ĐOÀN 07/10/2023 08:57

Đêm nay, tôi sẽ được ngủ bên mẹ sau bao ngày xa cách. Tôi được hít hà hơi thở nồng ấm của mẹ.

W_longme-1-.jpg
Minh họa: PHÙNG BẢN


Đã ba năm trôi qua, hôm nay tôi mới được nghỉ phép về thăm gia đình. Xóm Ghềnh của tôi thay đổi chẳng bao nhiêu, lòng tôi nhói lên se sắt. Mảnh đất này tôi được sinh ra và lớn lên bên gia đình nghèo nhưng êm ấm. Cây ổi trước nhà nay cao vượt mái nhà vẫn đứng vững qua mấy mùa mưa bão. Hương đồng thổi vào mang theo năm tháng vất vả và cả lo âu phiền muộn tạo nên một thứ mùi mà ngày còn ở nhà tôi vẫn gọi là mùi đồng ruộng.

Cô bác họ mạc làng xóm sang chúc mừng và cũng là tò mò xem tôi sống ở nước ngoài gầy béo ra sao. Họ hỏi đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Hai đứa em gái dưới tôi thay nhau mặc thử trang phục của chị khen đẹp. Tôi hào phóng bảo: “Chị tặng hai cô đấy”. Hai đứa em tròn mắt ngạc nhiên: “Thật hả?”. “Hai cô tưởng chị nói đùa hay sao?”. Miệng nói mắt tôi liếc nhanh sang mẹ. Bà ngồi trên giường, lưng tựa vào tường miệng mủm mỉm cười. Tôi biết mẹ sẽ không tin những lời tôi kể về những năm tháng sống và làm việc nơi xứ người. Tôi nhớ năm 14 tuổi mẹ bảo tôi đến nhà bà nội ăn giỗ ông nội. Giữa đám đông toàn người ruột thịt mà tôi cảm thấy bơ vơ lạc lõng, chẳng có ai đoái hoài tới. Ăn giỗ xong tôi trở về, mẹ hỏi: “Có vui không con?”. Tôi cười giòn tan: “Vui lắm mẹ à. Cô bác hỏi thăm mẹ dạo này có khỏe không, hôm nào rỗi sẽ sang. Lại còn khen con mau lớn và xinh nữa”. Mẹ ôm chặt tôi, thầm thì: “Con là một đứa trẻ không biết nói dối”. Nói xong mẹ quay đi, đôi mắt buồn vời vợi. Vậy mà hôm nay kinh tế gia đình tôi tạm gọi là ổn định, bà con cô bác vui mừng ân cần hỏi han. Nhìn mẹ ngồi nép sau cái cột nhà lòng tôi rưng rưng.

Bố mất năm mẹ bước sang tuổi 40, cái tuổi chưa thể gọi là già nhưng cũng không còn trẻ nữa. Năm ấy tôi 10 tuổi, dưới còn hai đứa em nữa, đứa lên bảy, đứa lên ba lại toàn là gái. Có một hai người đàn ông gẫy gánh xin gá nghĩa. Nhìn ba đứa con thơ, mẹ cảm ơn và lắc đầu. Nguồn sống của mẹ là ba chị em tôi. Một mình mẹ vừa làm cha, vừa làm mẹ, tảo tần khuya sớm nuôi ba con ăn học. Nụ cười hồn nhiên trong sáng của chúng tôi như một động lực thúc đẩy mẹ vượt lên mọi khó khăn của cuộc sống mưu sinh. Mẹ chẳng dám tiêu xài gì cho bản thân. Có bộ áo quần ngày vu quy mấy chục năm vẫn còn nằm dưới đáy rương. Có lần mẹ bảo tôi: “Ngày còn bé, con là một đứa con ngoan”. Nhưng bạn của mẹ lại bảo tôi: “Ngày xưa mày như cái giẻ vắt vai, ăn khóc, ngủ khóc, dậy cũng khóc. Khóc ngằn ngặt suốt ngày đêm. Lúc nào cũng nằm trên tay mẹ”. Mẹ như một siêu nhân đêm nào cũng thức, ban ngày lại tất bật với bao công việc đồng áng, lợn gà. Hai mắt mẹ thâm quầng, những vết đồi mồi, vết chân chim dầy thêm trên khóe mắt, nhất là sau ngày bố tôi ra đi.

Thời gian trôi nhanh. Các con càng lớn thì mẹ mỗi ngày một già đi, một yếu đi. Có cái mái ngói xô lệch mà cả chục năm cũng chưa đủ tiền đảo lại. Anh em kiến giả nhất phận. Bốn mẹ con ôm phận cảnh nghèo mà cắn răng động viên nhau. Ngày xưa thế hệ mẹ được các bậc phụ huynh dạy dỗ khác thời nay. Mẹ hiểu điều đó nên không bao giờ mẹ bắt các con làm theo ý mình. Mẹ khuyến khích ba chị em tôi có quan điểm riêng, thẳng thắn bày tỏ hơn là im lặng.

Tôi nhớ mãi một lần mẹ nói: “Hãy yêu lấy bản thân”. Dường như sợ chúng tôi chưa hiểu, mẹ nói thêm: “Có thể đó là hành động hơi ích kỷ nhưng nghĩ sâu xa một chút sẽ thấy đó là cách tự bảo vệ và biết mình muốn gì. Từ đó sẽ có cách lựa chọn đúng đắn. Năm tôi 18 tuổi, tốt nghiệp THPT nhưng lại không thi tiếp đại học. Ước mơ của tôi là được làm cô giáo nhưng gia cảnh nghèo quá, sức khỏe của mẹ đã suy giảm rất nhiều. Mẹ ngạc nhiên hỏi: “Sao con không thi đại học?”. Tôi nói: “Con tạm nghỉ một thời gian đi làm giúp mẹ phần nào gánh nặng. Khi nào ổn định con sẽ học tiếp”. Tôi coi đó là cách duy nhất trong lúc này. Tôi thương mẹ già yếu vẫn cố làm việc. Mặc dù tôi biết mẹ luôn giấu không để các con thấy mẹ phải vất vả hy sinh.

Ban đầu tôi xin vào một doanh nghiệp may tư nhân. Làm ngày làm đêm cũng chỉ đủ chi tiêu tằn tiện cho riêng mình. Việc bếp núc, đồng áng, lợn gà mẹ và hai em thay nhau gánh vác. Nghĩ mà thương. Tôi nhận ra rằng nếu cứ trông chờ vào mấy sào ruộng thì thật khó khăn. Suy đi ngẫm lại, chỉ có con đường xuất khẩu lao động. Tôi không hy vọng làm giàu mà mong sao sẽ kiếm đủ tiền gửi về cho mẹ bớt khổ, cho hai em học xong đại học. Chỉ cần thế thôi tôi đã mãn nguyện lắm rồi. Mẹ vay mượn khắp nơi, cả ngân hàng lẫn bạn thân mà vẫn chưa đủ. Có người bày cho mẹ bán ruộng. Trời ơi, nhà nông lấy ruộng làm gốc. Bán đi rồi sẽ lấy gì để sống? Làng này bao đời đã ai dám bỏ ruộng đâu, mặc dù có năm thất bát, buộc lòng phải bán con trâu thôi. Con trâu này tôi và hai em chăm bẵm từ khi nó còn nhỏ nên tình cảm có phần quyến luyến. Nhưng không bán không được. Ngày đi đã cận kề. Tay lái trâu biết điều đó nên buông lời gièm pha, giảm giá.


Ngày tôi tạm biệt mẹ và hai em sang xứ người lao động, mẹ khóc sụt sùi. Ừ ra nước ngoài làm việc lương cao thật đấy nhưng cũng đầy cạm bẫy. Nhiều bài học cay đắng từng diễn ra. Một người động viên mẹ: “Bà phải vui lên cho con Phượng được yên tâm vững bước chứ”. Mẹ ôm tôi thật chặt. Nước mắt mẹ bỏng rát thấm qua áo chảy xuống lồng ngực làm trái tim tôi hẫng vài nhịp. Hình ảnh ấy ám ảnh tôi để sau này mỗi lần nghĩ lại mắt vẫn còn cay cay.


Để có được những đồng tiền gửi về giúp mẹ, tôi phải làm việc mỗi ngày 13 - 14 tiếng đồng hồ. Nhiệm vụ của tôi là chăm sóc một người đàn bà trạc tuổi mẹ. Bà bị liệt nửa người do di chứng của bệnh tai biến. Chẳng biết lúc khỏe tính nết của bà thế nào chứ lúc này bà ta cực kỳ khó tính, lại thường xuyên ghen bóng ghen gió với người giúp việc. Trước tôi đã có vài người không chịu nổi phải bỏ việc ngang chừng. Bà ta ra sức hành hạ tôi. Đã nhiều lần tôi phải ì ạch vần cái thân nặng ngót một tạ của bà ta từ cái xe lăn vào chậu để tắm rửa do bà ta vệ sinh be bét ra người. Lại có lần bà giả điên giả dại hắt cả tô cháo còn nóng vào mặt tôi kèm theo ánh mắt rừng rực hờn ghen. Đêm ấy trời mưa lâm thâm, phố xá lạnh tái tê, tôi rời nhà chủ như kẻ mất hồn đi trong vô định. Tôi lang thang phố này qua phố khác, bụng đói, thân thể rã rời mà chẳng biết trút bầu tâm sự cùng ai. Người người đi lại vội vã tất bật. Xung quanh chẳng ai để ý tới một cô gái trẻ người Việt vừa đi vừa khóc. Cuộc đời tôi từng gặp nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ thê thảm như đêm nay. Thiên đường nơi xứ người là thế này ư?


Dù muốn hay không tôi vẫn phải trở về nhà chủ. Tôi không có lựa chọn nào khác. Tất cả giấy tờ của tôi người chủ đã cầm giữ. Tôi thèm những bữa cơm gia đình quây quần quanh nồi cơm nóng hổi với bát canh rau mồng tơi nấu với cua đồng cùng bát cà pháo muối xổi. Tất cả không còn từ ngày tôi sang đây. Nó đã được thay thế bằng bữa cơm dành cho người giúp việc lạnh khô và sự lủi thủi một mình. Nhiều đêm tôi mơ về mẹ cùng đôi mắt ầng ậng nước. Mẹ khóc nhưng liền sau đó mẹ lại cười và nói: “Cảm ơn con đã vì mẹ và hai em mà hy sinh ước mơ của mình”.


Chợt tiếng chuông điện thoại trong túi tôi reo vang. Màn hình hiện lên chữ “Thoa”. Thoa là cô em liền sát sau tôi. Tiếng Thoa vang lên: “Chị có khỏe không? Mẹ hỏi sao lâu lâu chị không gọi điện về? Mẹ dặn đồng tiền là quan trọng nhưng sức khỏe còn quan trọng hơn. Chị nhớ hôm nay là ngày gì không? Ngày sinh nhật của chị đó. Mẹ và hai em chúc chị chân cứng đá mềm, luôn xinh đẹp”. Thì ra hôm nay là ngày sinh nhật tôi. Guồng quay làm việc mỗi ngày khiến tôi quên mất. Mà nếu như có nhớ tôi cũng không biết làm gì. Xung quanh đây không có người Việt nào sinh sống. Chao ôi, gọi là đi xuất khẩu lao động làm nghề giúp việc nhưng thực chất cũng chỉ là người đi ở không hơn không kém. Không muốn để người ở quê lo lắng buồn lòng, tôi phải cười, phải nói dối, phải tô vẽ về cuộc sống của mình nơi thiên đường. Cái Thoa bảo: “Chị nói chuyện với mẹ một chút nhé”. Tôi vội vàng nói: “ Thôi thôi, cho chị gửi lời thăm mẹ. Giờ chị vẫn đang làm việc”. Nói vậy chứ tôi không đủ can đảm nói dối mẹ. Trước đôi mắt mẹ, mọi ý nghĩ của tôi như bị bóc trần. Tự dưng tôi ôm lấy ngực cố ghìm tiếng nấc nghẹn ngào. Căn phòng nhỏ yên tĩnh lạ thường. Chỉ có tiếng mưa gõ trên mái ngói. Tôi ngồi bó gối trên giường suy nghĩ về những điều đã qua và những gì sắp tới. Ở đời người ta đi hết con đường này đến con đường khác nhưng có mấy ai quay đầu nhìn lại quãng đường mình vừa đi. Tôi tự dặn lòng: “Cố gắng thêm vài năm nữa gom góp đủ tiền sẽ trở về tiếp tục đi học”.


Đêm nay tôi sẽ được ngủ bên mẹ sau bao ngày xa cách. Tôi được hít hà hơi thở nồng ấm của mẹ. Hai cô em cũng muốn nằm chen vào. Mẹ đuổi khéo: “Chật lắm, chị em mày ra ngoài nhà. Đêm mai chị Phượng sẽ ngủ cùng chúng mày”. Hai đứa em thất vọng đi ra. Mẹ nằm nghiêng sờ nắn, vuốt ve mặt mũi, chân tay tôi. Mẹ thở dài bảo: “Con mãi là đứa trẻ không biết nói dối. Gầy trơ xương thế này làm sao nói là sung sướng được. Đứa con tội nghiệp của mẹ”. Tôi ôm chặt mẹ òa khóc.

NGUYỄN SỸ ĐOÀN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lòng mẹ